Cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Đất đai năm 2013

Tỉnh Long An đề xuất, kiến nghị cấp trên cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Đất đai năm 2013 (gọi tắt là LĐĐ) cho phù hợp với thực tế địa phương.

Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

LĐĐ được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014. Từ khi có hiệu lực thi hành, luật tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai, thực hiện các công việc, nhiệm vụ liên quan, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành, tạo động lực, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Nguyễn Văn Thông, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai, thực hiện nghiêm LĐĐ và đạt nhiều kết quả nhất định, trong đó, nổi bật là việc tuyên truyền, từng bước đưa LĐĐ vào thực tế cuộc sống. Việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) hàng năm của các địa phương thực hiện đúng quy trình, trình tự thủ tục, kịp thời, làm cơ sở cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích SDĐ; công tác cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai cơ bản hoàn thành. Công tác kiểm tra việc quản lý, SDĐ được thực hiện thường xuyên, qua đó phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất,...

Tỉnh kiến nghị, đề xuất cần điều chỉnh, bổ sung một số quy định, điều khoản trong Luật Đất đai cho phù hợp thực tế (Ảnh minh họa)

Tỉnh kiến nghị, đề xuất cần điều chỉnh, bổ sung một số quy định, điều khoản trong Luật Đất đai cho phù hợp thực tế (Ảnh minh họa)

Việc xác định giá đất cụ thể để tính thu tiền SDĐ, tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá quyền SDĐ mà chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất thực hiện; giá đất cụ thể được xác định cơ bản phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường theo nguyên tắc định giá đất quy định tại Điều 112 của LĐĐ, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước, bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH địa phương.

Theo Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường - Nguyễn Văn Vũ, LĐĐ khi thi hành đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH, trong đó, thị xã cơ bản lập được hệ thống hồ sơ địa chính dạng số đồng bộ giữa bản đồ địa chính với thông tin đăng ký, cấp giấy chứng nhận, tạo nền tảng quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, phục vụ đa mục tiêu. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch SDĐ tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người có đất bị thu hồi,...

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Liêu Văn Bùng cho biết: Từ khi LĐĐ có hiệu lực thi hành, cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành từ cấp trên tạo điều kiện thúc đẩy KT-XH phát triển. Địa phương thuận lợi trong quá trình quản lý nhà nước, tuân thủ và thực hiện đúng quy định pháp luật, khai thác, sử dụng tài nguyên đất hợp lý, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lãng phí đất đai trên địa bàn,...

Cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế

Mặc dù thi hành LĐĐ đạt những kết quả nhất định nhưng hiện nay, một số địa phương còn gặp những khó khăn, vướng mắc khi triển khai. Một số quy định, điều khoản chưa phù hợp, chưa sát thực tế,... dẫn đến chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả của luật, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Liêu Văn Bùng, hiện nay, địa phương gặp khó khăn lớn về quy định SDĐ lúa. Tại khoản 1, Điều 58 LĐĐ năm 2013, các dự án, công trình SDĐ lúa trên 10ha phải trình Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chấp thuận bằng văn bản. Trong khi đó, thời gian UBND tỉnh trình Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến lúc Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận khá dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn. Huyện kiến nghị cấp trên xem xét, có quy định cụ thể diện tích tối đa khi chuyển mục đích SDĐ đối với hộ gia đình cá nhân và điều chỉnh khoản 1, Điều 58 theo hướng giao HĐND cấp tỉnh xem xét đối với dự án có SDĐ trồng lúa không giới hạn diện tích hoặc tăng diện tích đất trồng lúa thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh.

UBND thị xã Kiến Tường đề xuất cấp trên cần có hướng dẫn cụ thể về từng trường hợp chuyển mục đích SDĐ từ đất rừng sang đất ở và cho thêm thời gian giải quyết đối với các trường hợp lấy ý kiến địa phương đối với đối tượng trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp tại nơi cư trú vào bộ thủ tục hành chính cấp huyện.

Phó Giám đốc Sở TN&MT - Nguyễn Văn Thông thông tin: Chính sách, pháp luật về đất đai ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đóng góp tích cực vào việc phát triển KT-XH. Thông qua việc phân bổ, SDĐ tạo được nhiều việc làm, ổn định đời sống người dân. Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do Nhà nước thu hồi đất góp phần ổn định đời sống hàng trăm ngàn lượt hộ nông dân, thông qua chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi ngành nghề, giải quyết mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước với người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư. Đối với phát triển nông nghiệp: Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực; góp phần quan trọng vào việc bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực quốc gia; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ngày càng được nâng cấp và hiện đại, nông thôn ngày càng phát triển, đời sống nông dân được cải thiện. Về lĩnh vực bảo vệ môi trường, công tác lập và thực hiện quy hoạch SDĐ tạo quỹ đất hợp lý cho các khu xử lý chất thải, rác thải, đặc biệt là ở các đô thị và khu vực phát triển nông nghiệp; có cơ chế chính sách và giải pháp khuyến khích người dân bảo vệ môi trường, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai LĐĐ, ngành ghi nhận tại các địa phương vẫn còn những quy định chưa phù hợp thực tế, gây khó khăn trong công tác quản nước. Ngành đã tổng hợp các ý kiến của các địa phương, báo cáo UBND tỉnh và tham mưu, đề xuất, kiến nghị cấp trên xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với thực tế./.

UBND tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, điều chỉnh một số quy định, điều khoản trong LĐĐ cho phù hợp thực tế tại địa phương để việc thi hành luật đạt hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, về LĐĐ đề nghị bổ sung Điều 19: “Quy định cụ thể cách xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm”; sửa đổi Điều 58 theo hướng phân cấp cho HĐND cấp tỉnh giám sát và xem xét, quyết định cho phép chuyển mục đích đất trồng lúa không giới hạn diện tích.

Giữ nguyên đối tượng dự án quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 62 như hiện nay, tuy nhiên, cần quy định những chính sách bồi thường cho phù hợp nhằm bảo đảm khi Nhà nước thu hồi đất người dân không khiếu nại, khiếu kiện về giá và chính sách bồi thường. Chuyển sang quy định hình thức quản lý bằng công cụ kinh tế: Quy định cụ thể khi nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng thì nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền SDĐ, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án. Không thực hiện thu hồi như Điều 64 LĐĐ hiện nay. Quy định khoảng thời gian nhất định trong điểm a, khoản 3, Điều 69. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được thực hiện bồi thường bằng đất không cùng mục đích SDĐ với loại đất thu hồi nhưng phải tổ chức xác định giá đất cụ thể cho cả loại đất thu hồi và loại đất bồi thường, đồng thời thực hiện thanh toán khoản chênh lệch (nếu có).

Cần thống nhất quy định giữa LĐĐ năm 2013 và Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, ngày 06/01/2017 của Chính phủ. Sửa đổi khoản 3, Điều 114 theo hướng: Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh sau khi thẩm định giá đất trình UBND tỉnh phê duyệt; ngoài cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể; tùy tình hình thực tế tại địa phương UBND cấp huyện được thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể (giá bồi thường).

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 118 theo hướng: Đối với đất chưa được bồi thường, giải phóng mặt bằng (sau khi hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư bằng nguồn vốn của chủ đầu tư) giao đất, cho nhà đầu tư thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền SDĐ. Nâng hạn mức giao đất và nhận chuyển quyền SDĐ nông nghiệp. Đề nghị bổ sung Điều 159: “Quy định cụ thể hạn mức giao đất cơ sở tôn giáo” và bỏ khoản 3, Điều 191,...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghỉ, sửa đổi một số quy định trong các nghị định hướng dẫn và thông tư hướng dẫn liên quan lĩnh vực đất đai.

Châu Sơn

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/can-dieu-chinh-sua-doi-bo-sung-mot-so-quy-dinh-trong-luat-dat-dai-nam-2013-a122723.html