Quảng Ninh: Nhiều giải pháp hỗ trợ công tác thu gom, tiêu thụ gỗ rừng bị gãy đổ do bão số 3
Hiện nay, việc thu gom, tiêu thụ cây rừng gãy đổ do bão gặp rất nhiều khó khăn. Để hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống, doanh nghiệp tái khởi động sản xuất, ngày 19/9 UBND tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp với người dân và các sở ngành liên quan để bàn giải pháp hỗ trợ liên quan đến nội dung này.
Những khó khăn chính trong công tác thu gom, tiêu thụ cây rừng gãy đổ là: thiếu nhân lực; cung đường vận chuyển bị sạt trượt, hỏng hóc; thiếu khu vực tập kết; cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất chế biến gỗ tại các cơ sở bị thiệt hại nặng nề... Đặc biệt, đối với cây keo gãy đổ, nếu kéo dài thời gian thu gom sẽ khó bóc vỏ và làm giảm giá trị.
Hiện tại, Quảng Ninh có trên 434 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp (chiếm 70% tổng diện tích đất tự nhiên); trong đó gần 117.312 ha rừng (chủ yếu là rừng sản xuất) bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra với giá trị thiệt hại ước tính khoảng trên 5 nghìn tỷ đồng.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã chia sẻ với các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân về những khó khăn nêu trên; đồng thời, Chủ tịch tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ, khắc phục bước đầu cho người dân theo các quy định của Chính phủ và tỉnh.
Yêu cầu lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm tăng cường nhân lực để phối hợp, hỗ trợ người dân thu gom gỗ, triển khai trồng rừng (đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa); bố trí các bãi tạm chứa, tập kết gỗ; thực hiện rà soát, kiểm soát các tuyến đường có nguy cơ sạt lở để có biện pháp xử lý, đảm bảo an toàn trong khai thác; tăng cường công tác giám sát, phòng cháy chữa cháy rừng...
Các doanh nghiệp, đơn vị thu mua, chế biến lâm sản cần thống nhất mức giá, thực hiện công khai trên toàn tỉnh; đồng thời có giải pháp xử lý, tiêu thụ, thu gom các cây chưa đủ tuổi, khai thác với tinh thần chung tay chia sẻ rủi ro, "lá lành đùm lá rách", hỗ trợ tối đa cho người dân.
Được biết, trước đó, Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị các ngân hàng có giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: khoanh nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với những khách hàng không còn tài sản thế chấp, áp dụng lãi suất phù hợp... tạo thuận lợi cho người dân tái sản xuất.
Đến nay đã có 5 ngân hàng gồm: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngoại thương Việt Nam; Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Công Thương Việt Nam và ngân hàng Bản Việt triển khai các chính sách về hỗ trợ giảm lãi suất (từ 0,5-2%/năm); miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả; giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh phát sinh từ ngày 6/9.