Cần điều tra, đánh giá lại về sạt lở đất sau loạt sự cố ở miền Trung
Theo PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, sạt lở đất là kẻ thù giấu mặt rất ít khi biết chính xác sẽ xảy ra ở chỗ nào, xảy ra bao giờ. Việc chống lại là không khả thi, mà chủ yếu là dự báo, cảnh báo. Việc này phải thường xuyên từ ngay trước khi mùa mưa bão xảy ra.
Tại “Tọa đàm trực tuyến lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?” do báo Đại Đoàn Kết tổ chức sáng 5/11, PGS.TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, miền Trung năm nào cũng có mưa bão, sạt lở đất, lũ quét. Tuy nhiên, năm nay, tại miền Trung liên tiếp có các đợt mưa lũ lớn.
“Mưa bão kỷ lục với cường độ lớn kéo dài làm cho đất đá bị sũng nước. Cùng với đó, miền Trung có địa hình hẹp, cao, đồi núi dốc. Về mặt địa chất, miền Trung có rất nhiều phân vị địa chất khác nhau, đa dạng về tuổi, thành phần, tính chất địa lý, thậm chí có chỗ còn dập vỡ, nứt nẻ mạnh. Địa chất vốn đã yếu, có bất lợi cộng thêm với mưa lớn, mưa lâu dẫn đến sạt lở”, PGS.TS Trần Tân Văn lý giải.
Ông Tân cho biết thêm, bên cạnh yếu tố địa chất, thời tiết thì nguyên nhân sạt lở cũng có do tác động của các hoạt động nhân sinh, trong một số trường hợp đây còn là một nguyên nhân chính gây ra sạt lở.
Theo các chuyên gia, rất nhiều quốc gia trên thế giới có tiến hành điều tra cảnh báo sạt lở đất. Tuy nhiên, tại Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng đều có sạt lở đất gây thiệt hại về người và của.
Người đứng đầu Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết thêm, chúng ta có thể đối mặt mưa bão, nhưng sạt lở đất lại là kẻ thù giấu mặt, mà chúng ta rất ít khi biết được chính xác nó xảy ra ở chỗ nào, xảy ra bao giờ. Việc chống lại là không khả thi, mà chủ yếu là dự báo, cảnh báo. Các nước trên thế giới cũng không có phương án khả thi ngăn chặn sạt lở đất. Việc cảnh báo phòng tránh phải thường xuyên từ ngay trước khi mùa mưa bão xảy ra.
Các nhà khoa học cảnh báo địa chất các tỉnh miền Trung từ trước đó nhưng chúng ta chưa có giải pháp đủ quyết liệt. Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện điều tra hiện trạng, phân vùng cảnh báo cho các tỉnh miền núi. Chúng ta đã điều tra được 22/37 tỉnh,phân vùng cảnh báo 15/27 tỉnh, tỷ lệ 1/50.000....Tuy nhiên, tốc độ còn chậm.
“Từ trước đến nay cơ quan quản lý chỉ chuyển giao cho địa phương là xong trách nhiệm,. Sau vụ này thì nhận ra rằng là phải có trách nhiệm đến cùng, người được chuyển giao phải hiểu được, sử dụng đúng lúc, kịp thời. Ngoài ra cần cập nhật, điều chỉnh, bổ sung về dự báo, cảnh báo thường xuyên. Trước mùa mưa lũ phải điều động lực lượng chức năng đi các nơi rà soát lại việc phòng tránh, các địa điểm nào có nguy cơ để cảnh báo, di dời người dân. Những bản đồ về nguy cơ sạt lở đất sau 3 tới 5 năm phải làm lại và chuyển giao lại. Tôi nghĩ các nội dung cảnh báo cần điều chỉnh, cần thay đổi sau mỗi đợt mưa lũ”, PGS.TS Trần Tân Văn cho biết.