Cần định nghĩa rõ 'y tế cơ sở' để đầu tư, quan tâm thích đáng
ĐBND - Ban soạn thảo Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có thể cân nhắc bổ sung quy định về nguyên tắc sắp xếp lại hệ thống cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, đặc biệt quan tâm tới cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu…
Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, góp ý vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), tại phiên thảo luận sáng nay (13.6).
Nhắc lại những quyết nghị của Quốc hội trong năm 2021, khi cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ linh hoạt giải quyết nhiều vấn đề chưa được luật định, nhưng cần thiết trong đại dịch Covid-19, đại biểu Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, đây là việc chưa có trong tiền lệ. Công việc trên thể hiện trách nhiệm, tinh thần chủ động, đồng hành của Quốc hội với Chính phủ và cả hệ thống chính trị nói chung trong phòng, chống dịch bệnh nói riêng.
“Tuy nhiên, thực tế trên cũng minh chứng cho sự cần thiết phải hoàn thiện ngay hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Đây không chỉ là kim chỉ nam để ngành y tế vượt qua những khó khăn trước mắt, mà còn là định hướng lâu dài cho ngành y tế trong công tác khám bệnh, chữa bệnh,” đại biểu Nhị Hà phát biểu.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (TP Hà Nội) phát biểu tại hội trường sáng 13.6
Ảnh: QUANG KHÁNH
Đại biểu Nhị Hà cho rằng, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần được quan tâm đặc biệt hơn.Với quy định 3 cấp: Cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; Cấp cơ bản và Cấp chuyên sâu. Theo đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung trong Dự thảo Luật quy định về nguyên tắc sắp xếp lại hệ thống cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, đặc biệt quan tâm tới cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu.
“Trong Nghị quyết 20 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã xác định “vai trò y tế cơ sở là nền tảng”. Trong Dự thảo Luật cũng có nhắc đến cụm từ “y tế cơ sở” nhưng không có định nghĩa “y tế cơ sở”, chưa làm rõ được phạm vi của “y tế cơ sở” để qua đó xác định được mục tiêu, quy mô đầu tư, mối liên quan giữa y tế cơ sở và cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu,” bà Hà đặt vấn đề.
Hiện, Việt Nam là quốc gia có hệ thống và tổ chức mạng lưới y tế cơ sở với quy mô hàng đầu thế giới (trạm y tế được tổ chức đến tận các xã, phường, thị trấn). Đây cũng là mô hình mà kể cả các quốc gia phát triển trên thế giới cũng không có được. Tuy nhiên, với đội ngũ nhân viên y tế vừa thiếu, vừa yếu, các trạm y tế đã không phát huy được chức năng chăm sóc sức khỏe người dân từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở.
Dẫn chứng từ thực tế nhiều năm qua, ngành y tế triển khai hàng loạt giải pháp như: tăng vốn đầu tư, đưa bác sĩ mới ra trường về trạm y tế thực hành, luân phiên người hành nghề từ tuyến trên về tuyến dưới… nhưng đều chưa hiệu quả.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác tiêm chủng cho trẻ,
tại quận Hà Đông
Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội thống nhất cao sự cần thiết phải tổ chức lại hệ thống y tế thực sự là một giải pháp căn cơ, nhưng cần có mô hình cụ thể. Trong đó, cấp khám chữa bệnh ban đầu cần được xây dựng theo mô hình hoạt động y học gia đình, kết hợp cả khu vực tư nhân và hệ thống trạm y tế.
Đặc biệt, phải xây dựng được sự kết nối giữa cấp khám chữa bệnh ban đầu và các tuyến trên, quản lý bệnh nhân theo chiều dọc cả về chuyên môn, hồ sơ bệnh án, hài hòa về nguồn thu giữa các tuyến để bảo đảm sự phát triển bền vững của hệ thống. Hoạt động y học gia đình phải là mô hình tổ chức mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý được sức khỏe người dân kể cả người bị bệnh hay người khỏe mạnh.
Đại dịch Covid-19 cũng đã chỉ ra sự hạn chế về kết nối giữa các cấp, các tuyến trong hệ thống y tế Việt Nam. Để giải quyết được vấn đề này, hệ thống y tế phải có các Trung tâm chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm xét nghiệm, Trung tâm hồi sức cấp cứu vùng được đầu tư các công nghệ hiện đại, có sự liên thông kết quả chẩn đoán, để đảm bảo tiết kiệm hiệu quả trong đầu tư nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Đại biểu Nhị Hà đề nghị bổ sung thêm nội dung này trong điều 86 của Dự thảo Luật, để làm cơ sở cho Chính phủ ban hành quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quốc gia.
Một vấn đề nữa là trên thực tiễn có nhiều cơ sở y tế thực hiện việc khám bệnh chữa bệnh ngoài địa điểm đã được đăng ký trong giấy phép hoạt động như khám chữa bệnh nhân đạo, khám chữa bệnh từ xa, khám sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh khi có thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường và một số tình huống khẩn cấp khác.
Để bảo đảm chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, an toàn, sức khỏe của người dân, tránh trường hợp lợi dụng việc khám bệnh, chữa bệnh để trục lợi như vừa khám bệnh nhân đạo vừa bán thuốc, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị bổ sung nội dung quy định các điều kiện cụ thể của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ngoài địa điểm hành nghề vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).