Cần đổi giờ học, giờ làm

Đã từ nhiều năm nay, ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh... thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe hàng giờ, thậm chí vài ba giờ liền. Nguyên nhân chính là do hệ thống giao thông ở các thành phố này bị quá tải bởi lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 7-2018, tổng số ôtô đang lưu hành tại Việt Nam đạt hơn 3 triệu xe. Ôtô được tiêu thụ nhiều nhất tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Hai thành phố này chiếm khoảng 45% tổng lượng xe được đăng ký tại Việt Nam hằng năm. Riêng thành phố Hà Nội, số lượng phương tiện cá nhân tăng chóng mặt, gấp khoảng 3 lần trong vòng 10 năm. Từ năm 2008-2017, số lượng xe máy đã tăng từ khoảng 2 triệu xe lên 5,4 triệu xe, với tỷ lệ tăng 7-8%/năm; ôtô con tăng từ 200 ngàn lên 550 ngàn xe, tỷ lệ tăng 10-12%/năm.

Nguyên nhân kẹt xe do các loại phương tiện tăng nhanh thì ai cũng thấy, nhưng còn một nguyên nhân nữa tác động mạnh đến tình trạng kẹt xe lại ít được nhắc đến. Đó là hiện nay nước ta đang dùng khung giờ làm việc của thời kỳ còn là nước nông nghiệp áp vào các đô thị phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch. Do cùng một thời điểm mà tất cả công chức, viên chức, người lao động và học sinh các cấp cùng đổ ra đường, thì việc không xảy ra kẹt xe ở các thành phố lớn mới là lạ.

Để tránh tình trạng kẹt xe, hiện hầu hết quốc gia ở châu Á và trên thế giới đều bắt đầu làm việc từ 8 giờ 30 phút, nghỉ trưa 1 tiếng đồng hồ. Xuất phát từ thực tế này, trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định), đã phát biểu: Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 8 không có nội dung quy định về giờ học, giờ làm là không phù hợp khi điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, tác phong làm việc, mức độ hiện đại hóa còn khác nhau ở nhiều địa phương. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều gia đình và xã hội.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, các thành viên trong gia đình ở đô thị ngày nay ít có thời gian chia sẻ với nhau. Từ sáng sớm cả nhà đã phải vội vã đi học, đi làm, quên dần bữa ăn gia đình truyền thống là một trong những nguyên nhân dẫn đến rạn nứt hôn nhân. Nhiều con em có hành vi bạo lực, trầm cảm có nguyên nhân chính là thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, việc đổi giờ học, giờ làm không phải chỉ để góp phần giải quyết vấn đề giao thông ở đô thị lớn, mà lớn hơn nhiều là nâng cao hiệu quả làm việc, xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo hướng văn minh, hiện đại.

Từ phân tích đã nêu, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Chính phủ cần tổ chức nghiên cứu sự tác động cụ thể của việc đổi giờ học, giờ làm. Sau đó, chỉ đạo các bộ, ngành xem xét thấu đáo việc quy định các cơ quan hành chính Trung ương và cơ quan hành chính cấp tỉnh thay đổi giờ làm việc từ 8 giờ hoặc 8 giờ 30 phút sáng. Tiếp đó, chỉ đạo ngành giáo dục có kế hoạch điều chỉnh giờ học đồng bộ với đổi giờ làm. Có như vậy chắc chắc sẽ góp phần tích cực vào việc giải quyết nạn kẹt xe ở các thành phố lớn. Đồng thời, tạo điều kiện cho các thành viên trong mỗi gia đình - tế bào của xã hội, có điều kiện chăm sóc, quan tâm giúp đỡ nhau nhiều hơn.

H.B

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/can-doi-gio-hoc-gio-lam-5039