'Cần đổi mới tư duy hợp tác và có những bước đi đột phá tại khu vực Mekong'

Thủ tướng bày tỏ lo ngại những thách thức chưa từng có đối với Lưu vực Mekong, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng.

Ủy hội sông Mekong quốc tế là tổ chức gồm 4 quốc gia Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Lào; có vai trò quan trọng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ, hợp tác, điều phối trong phát triển vì lợi ích bền vững của tất cả các quốc gia ven sông và ngăn ngừa sử dụng lãng phí nước trong lưu vực sông Mekong. Tổ chức đến nay đã được gần 30 năm hình thành và phát triển.

Ủy hội đã thông qua và triển khai thực hiện các Chiến lược và Kế hoạch phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước; hoàn thiện Bộ Quy chế sử dụng nước, khuôn khổ pháp lý quan trọng của Ủy hội.

Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững Lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các tác động của các dự án thủy điện dòng chính do Ủy hội thực hiện là căn cứ khoa học quan trọng cho việc ra quyết định liên quan đến các hoạt động phát triển Lưu vực của các nước ven sông.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mekong quốc tế. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mekong quốc tế. Ảnh: Nhật Bắc

Tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 4 Ủy hội sông Mekong quốc tế được tổ chức hôm nay với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của Lưu vực sông Mekong”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ lo ngại trước những thách thức chưa từng có đối với Lưu vực Mekong, nhất là đồng bằng sông Cửu Long, do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng.

Do đó, ông nhấn mạnh phải đổi mới tư duy hợp tác và có những bước đi đột phá, và với tinh thần đó đưa ra những đề xuất về định hướng hợp tác của Ủy hội trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần tái khẳng định cam kết mạnh mẽ nhất, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995, cũng như Bộ Quy chế sử dụng nước đã được xây dựng, đồng thời tập trung thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược của Ủy hội.

Thứ hai, mọi chính sách và hành động cần lấy con người làm trung tâm, với cách tiếp cận toàn dân, toàn diện và toàn lưu vực, nhằm bảo đảm sinh kế bền vững của người dân, tăng cường khả năng thích ứng, tự cường của mỗi cộng đồng trước những biến đổi nhanh chóng hiện nay; đồng thời tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia ở tiểu vùng sông Mekong.

Thứ ba, tăng cường sự phối kết hợp giữa Ủy hội và các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng khác, trong đó phát huy vai trò là một trung tâm tri thức, cung cấp thông tin, dữ liệu, tư vấn cho các cơ chế hợp tác.

Thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời, kết nối và nâng cấp mạng lưới điện của vùng, qua đó góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác giao thông thủy để tăng cường kết nối các nền kinh tế, thúc đẩy giao thương, đồng thời bảo đảm vận tải an toàn và có hiệu quả, không gây hại đến nguồn nước và môi trường sinh thái.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác với các đối tác để tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại, gắn kết hoạt động của Ủy hội với nỗ lực thực hiện Tầm nhìn cộng đồng ASEAN và các chương trình nghị sự quốc tế lớn khác.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/can-doi-moi-tu-duy-hop-tac-va-co-nhung-buoc-di-dot-pha-tai-khu-vuc-mekong-1680686173518.htm