Cân đối quỹ thời gian cho sinh viên đi làm thêm

Lần đầu tiên quy định về quản lý giờ làm thêm của học sinh, sinh viên không quá 24 giờ/tuần được Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đề xuất đưa vào dự thảo Luật Việc làm. Hạn chế giờ làm thêm được xem là một chính sách cần thiết, nhằm đảm bảo cho sinh viên có đủ thời gian tập trung vào việc học và được trả lương phù hợp, không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định.

 Nhiều sinh viên chọn làm thêm giờ với công việc là nhân viên pha chế ở các quán cà phê. Ảnh: Bảo Phước

Nhiều sinh viên chọn làm thêm giờ với công việc là nhân viên pha chế ở các quán cà phê. Ảnh: Bảo Phước

Sinh viên vừa đi học, vừa đi làm thêm với các công việc bán thời gian, lao động phi chính thức ngày càng trở nên phổ biến, nhất là những em ngoại tỉnh. Không chỉ làm thêm để có tiền trang trải, kể cả những gia đình có điều kiện cũng khuyến khích con em đi làm thêm để rèn luyện kỹ năng sống, được trải nghiệm thực tế, mở rộng mối quan hệ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, giúp ích cho công việc sau này.

Một người bạn có con học năm 2 Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế kể, một tháng tôi có thể chu cấp cho con tiền tiêu vặt, nhưng tôi vẫn muốn con đi làm thêm để con biết cách quản lý bản thân, thời gian và công việc của mình. Hơn nữa, kinh nghiệm làm thêm của con cũng là yếu tố được các doanh nghiệp ưu tiên khi tuyển dụng.

Không thể phủ nhận những mặt tích cực của việc sinh viên đi làm thêm. Tuy nhiên, để kiếm được thu nhập vài triệu đồng một tháng, các em phải làm ít nhất từ 4 đến 5 giờ mỗi ngày, thậm chí nhiều hơn nếu muốn tăng thu nhập. Thế nên, có em không cân đối được giữa việc học và việc làm thêm khiến kết quả học tập giảm sút, dẫn đến tính trạng nợ môn, ra trường muộn.

Trò chuyện với Hồng, sinh viên năm 2 Trường đại học Ngoại ngữ, đang làm nhân viên phục vụ ở một quán càfe, em bộc bạch, mỗi giờ em được chủ trả công 12.000 đồng/giờ. Cái khó là có những lúc em cần ôn bài thi nhưng không thể chuyển ca làm việc cho bạn được… Nhiều lúc phải làm nhiều giờ, phục vụ đông khách khiến em cảm thấy mỏi mệt nên có lúc phải nghỉ học.

Chưa kể những phiền toái vẫn thường xuyên xảy ra với sinh viên khi các em bị trả tiền theo giờ thấp hơn rất nhiều so với quy định. Cũng do thiếu kinh nghiệm, chủ quan, không tìm hiểu kỹ nơi được giới thiệu làm nên nhiều em đã bị lợi dụng sức lao động, nợ lương. Thậm chí, chủ doanh nghiệp đưa ra nhiều chiêu trò, chẳng hạn, quy định khắt khe nội quy công việc như đi muộn 5 đến 10 phút bị phạt, nghỉ không phép bị sa thải và không trả lương, bắt thử việc, trả lương không đúng quy định…

Trên các diễn đàn xã hội khá nhiều ý kiến ủng hộ việc sinh viên đi làm thêm để tăng thu nhập và trau dồi kỹ năng sống. Thế nên, đưa việc làm thêm của sinh viên vào Luật Việc làm góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các em khi tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, sinh viên nên tìm những công việc phù hợp với các ngành nghề đang được đào tạo hoặc sát với định hướng việc làm trong tương lai, như vậy các em vẫn đảm bảo được việc học.

Theo ý kiến của các chuyên gia, hạn chế số giờ đi làm thêm của sinh viên là một giải pháp đúng đắn vì không muốn các em bị bóc lột sức lao động hoặc dành quá nhiều thời gian, tâm sức cho việc làm thêm mà bỏ bê việc học. Vấn đề đặt ra, nhà trường cũng phải tạo ra một số vị trí việc làm phù hợp với ngành nghề của các em. Cần phát triển thêm các chương trình hỗ trợ tài chính cho những sinh viên khó khăn, có năng lực học tập để giảm áp lực tài chính cho các em và không để cho các em phải làm thêm mà không phù hợp với chuyên môn. Thực tế, có nhiều bạn trẻ biết tính toán thay vì đi làm thêm, đã nỗ lực để học có học bổng và số tiền này cũng khá nhiều lên đến vài chục triệu đồng/năm học cũng đủ để trang trải khi sống xa nhà.

Cũng theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động; căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện. Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.

Thiết nghĩ, sinh viên đủ tuổi lao động, đi làm thêm là việc nên khuyến khích. Quan trọng, cần quản lý để các cơ sở sử dụng lao động không trả lương cho sinh viên thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đã quy định, thể hiện sự bình đẳng trong thị trường lao động.

An Nhiên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/can-doi-quy-thoi-gian-cho-sinh-vien-di-lam-them-143228.html