Cần đòn bẩy cho doanh nghiệp tư nhân
Dù đạt được nhiều thành tựu đáng mừng nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân mà nhất là những doanh nghiệp tư nhân lớn – những 'cánh chim đầu đàn' vẫn còn nhiều hạn chế, chưa sẵn sàng trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, cần thêm nhiều lực đẩy từ các doanh nghiệp tư nhân tiên phong cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).
PV: Thời gian qua, DN tư nhân không ngừng lớn mạnh cả về quy mô và chất lượng kinh doanh. DN tư nhân được xác định là động lực quan trọng cho nền kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của DN tư nhân trong thời gian qua, nhất là những DN lớn mang tính tiên phong dẫn dắt nền kinh tế?
Ông Nguyễn Trí Hiếu: Lực lượng DN tư nhân có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. DN tư nhân phát huy được sáng kiến hay, huy động được nhiều nguồn lực xã hội, đồng thời đóng góp nhiều cho hoạt động an sinh xã hội. Thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục đóng vai trò nòng cốt của nền kinh tế. Đây là khu vực tiếp nhận ảnh hưởng trực tiếp từ những thay đổi trong thể chế, chính sách. Chúng ta đã có những DN “đầu đàn” như: VinGroup, SunGroup, Thaco, Vinamilk, TH... Tuy nhiên, số lượng DN lớn có bề dày về nhiều mặt như trên không nhiều, trong khi DNVVN đang chiếm 97% tổng số DN với khoảng 60 – 70% lao động. Mặc dù chiếm tỷ lệ lớn trong cộng đồng DN nhưng DNNVV lại không được hưởng chính sách ưu đãi. Điều mà mọi người đang băn khoăn là DNNVV đang ở trong thế yếu và thấp hơn DN nhà nước, DN FDI.
Ông nhận định thế nào về vai trò của các DN tư nhân tiên phong trong việc tạo lực đẩy cho cộng đồng DNVVN để cùng nhau phát triển và dẫn dắt nền kinh tế?
- Việt Nam là nền kinh tế thị trường nhưng theo định hướng xã hội chủ nghĩa nên Nhà nước vẫn tham gia. Vì vậy, DN lớn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn. Thế nhưng, ngay cả khi được hỗ trợ về chính sách thì DN lớn cũng gặp khó về thị trường trong và ngoài nước, không đơn giản để tiếp cận vốn tín dụng, lãi suất cao... Tất cả khó khăn đó buộc DN phải gồng lên rất nhiều nên khó có thể hỗ trợ được cho DN nhỏ. Từ thực tiễn, tôi chưa nhìn thấy sự hỗ trợ đối với các DNVVN hay DN siêu nhỏ. Trừ trường hợp DNVVN đó là bạn hàng, là nhà cung cấp hay cùng nằm trong hệ sinh thái chung của ngành. Có thể nói, sự hỗ trợ cho DN lớn cho DNVVN rất cầm chừng. Có lẽ cần nhận định lại vai trò của các DNVVN. Theo tôi, DNVVN vẫn là xương sống của nền kinh tế. Điều này đòi hỏi Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn.
Chỉ đang dừng lại ở mức truyền cảm hứng cho lượng lớn DNVVN, liệu những DN tư nhân lớn đã làm “bệ đỡ” hỗ trợ cho DN khởi nghiệp hay chưa?
- DN khởi nghiệp khác hẳn DNVVN. DNVVN đã có lịch sử hoạt động, thị phần trong thị trường, còn DN khởi nghiệp lại khác. DN khởi nghiệp là những startup đang bắt tay xây dựng và tìm cách bước chân vào thị trường. Đó là những DN dễ bị tổng thương nhất. Tổn thương vì không có vốn hoặc vốn mỏng manh; vốn chủ yếu từ tiết kiệm và vay mượn ban bè, người thân. Ngoài ra còn tồn tại những điểm yếu khác như: sản phẩm chưa được thị trường biết đến, dễ dàng bị đối thủ cạnh tranh “xóa sổ”.
Như tôi đã nói ở trên, hiện DN lớn cũng đang gặp khó khăn ở thị trường quốc tế cũng như thị trường nội địa. Với thị trường quốc tế thì vấn đề địa chính trị hiện đang ở trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng gây khó về thị trường cho các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam... Ở thị trường trong nước, chứng khoán, bất động sản chưa có sự khởi sắc, cầu nội địa thấp, tăng trưởng tín dụng thấp. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra 15%/năm nhưng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 7%. Điều này cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu và tín dụng yếu là do cầu nền kinh tế thấp.
10 năm qua DN khởi nghiệp phát triển tốt hơn trước đây. Ngày trước DN khởi nghiệp hoạt động theo hướng cổ điển nhưng trong cuộc cách mạng 4.0 DN khởi nghiệp tận dụng đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, không cần có lực lượng lao động lớn như xưa. Các quỹ đầu tư như Quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm... cũng mạnh dạn hỗ trợ cho họ nhiều hơn. Ngoài ra, Chính phủ cũng có chính sách tốt hơn, ưu tiên hơn cho DN khởi nghiệp.
Để các DN tư nhân tiên phong liên kết, dẫn dắt nền kinh tế cần giải pháp gì? Theo ông, DNVVN đang ở thế thấp hơn với nhiều khó khăn hơn và cần Chính phủ quan tâm. Vậy cần quan tâm về mặt chính sách hay về vấn đề gì?
- DNVVN rất cần cơ chế, chính sách hỗ trợ, cần thêm về nguồn vốn đầu tư, cần hỗ trợ thị trường tiêu thụ. Tôi lấy ví dụ, nhiều năm nay chúng ta có quỹ bảo lãnh tín dụng để DN được vay tiền và được bảo lãnh từ các tổ chức tín dụng. Tên gọi là vậy nhưng thực tế quỹ bảo lãnh tính dụng hoạt động chưa hiệu quả. Tôi lấy ví dụ, quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương vừa èo uột, vừa hoạt động không hiệu quả, tiêu cực nhiều làm vai trò của quỹ tính dụng này yếu kém hẳn.
Chính phủ phải nâng cấp quỹ này lên bằng cách thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia hỗ trợ DN, nhất là DNVVN. Song song đó cần đảm bảo thông suốt, thống nhất các quy định, chính sách pháp luật tạo điều kiện thuận lợi để DN mạnh dạn đầu tư và phát triển.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-don-bay-cho-doanh-nghiep-tu-nhan-10291120.html