Cần dự phòng bệnh xương khớp từ lúc còn trẻ
Đau nhức xương khớp vào mùa lạnh là căn bệnh phổ biến không chỉ gặp ở người cao tuổi mà còn phổ biến ở người trung niên, thậm chí là ở người trẻ tuổi. Dù không quá nguy hiểm nhưng đau nhức xương khớp khiến nhiều người hạn chế vận động và gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt.
Những thông tin mà Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS. Võ Tam, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Huế - miền Trung chia sẻ sau đây sẽ giúp độc giả của Huế ngày nay Cuối tuần hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra tình trạng đau xương khớp vào mùa lạnh và cách thức phòng ngừa đau xương khớp trong mùa lạnh.
Thưa Giáo sư, đau khớp mùa lạnh được định nghĩa như thế nào và thường gặp ở đối tượng nào?
Đau khớp về mùa lạnh có nghĩa là người bệnh đã có sẵn bệnh lý về xương khớp và mỗi khi mùa lạnh về, nhiệt độ giảm làm cho các bệnh lý xương khớp bùng phát lại và đau là biểu hiện của sự tái phát hoặc đợt nặng lên của bệnh.
Cho đến nay, về mặt bệnh lý xương khớp, y học phát hiện gần 200 loại bệnh hoặc hội chứng về xương khớp và tập trung vào 3 nhóm chính: thứ nhất là nhóm bệnh lý khớp viêm hoặc tổn thương mô, tế bào do rối loạn miễn dịch. Thứ hai là nhóm bệnh lý khớp có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, người lớn tuổi sẽ dễ dàng bị tổn thương hơn. Thứ ba là nhóm bệnh lý xương khớp liên quan đến rối loạn chuyển hóa, thần kinh, nội tiết hoặc nhiễm trùng. Ở cả 3 nhóm chính này, khi thời tiết lạnh đến, đều có thể làm khởi phát lại bệnh.
Vì sao mỗi khi trở trời và trời lạnh thì thường bị đau nhức xương khớp thưa Giáo sư?
Ở mỗi nhóm bệnh trên, khi mùa lạnh làm khởi phát đau trở lại được giải thích như sau: Thứ nhất là nhóm bệnh lý khớp viêm: Tình trạng ẩm ướt của không khí có khuynh hướng làm cho trương lực cơ của các bệnh nhân giảm và từ đó có thể làm tăng cơn đau. Thứ hai là ở nhóm bệnh không do viêm, gặp ở những người cao tuổi thì tình trạng lạnh khô sẽ làm tăng cơn đau, lý do là vì chính tình trạng lạnh khô làm mất dịch khớp và hậu quả là giảm bôi trơn khớp. Ở nhóm thứ ba liên quan đến bệnh lý khớp chuyển hóa thì thời tiết lạnh làm chậm quá trình chuyển hóa và giảm lượng máu tuần hoàn, đây là yếu tố gây đau.
Giáo sư có thể cho biết đâu là những biểu hiện cụ thể của bệnh đau xương khớp mùa lạnh?
Tùy thuộc vào nhóm nguyên nhân của bệnh lý xương khớp. Nhìn chung, các bệnh lý khớp viêm về mùa lạnh thường đau nhiều hơn và ngoài đau còn có những triệu chứng thuộc viêm khác như sưng, nóng đỏ, vị trí khớp đau viêm tùy thuộc vào bệnh lý như viêm khớp dạng thấp thì đau khớp bàn ngón tay, bệnh gout lại đau viêm khớp bàn ngón chân là chủ yếu… Các bệnh lý khớp không do viêm thì thường đau nhức vừa phải và vị trí ở các khớp ngoại biên là chủ yếu. Mặt khác, đau khớp về mùa lạnh có thể kèm giới hạn vận động của khớp đau và khó khăn khi đi lại…
Vậy để khắc phục đau nhức xương khớp mùa lạnh cần phải làm gì?
Đối với đau xương khớp về mùa lạnh cần những điều lưu ý sau: Cần giữ đủ ấm cho cơ thể bất kể thời điểm nào trong ngày và trong bất cứ hoạt động nào của bản thân. Sử dụng các thuốc điều trị bệnh khớp cần thực hiện đúng theo y lệnh. Các hoạt động thể lực, vận động cần phải duy trì thực hiện ít nhất 30 phút trong ngày và ít nhất là 3 ngày trong tuần để kích thích duy trì tuần hoàn cho cơ thể và từ đó tạo ra dịch khớp đầy đủ. Cần làm nóng cơ thể trước khi hoạt động ngoài trời. Thức ăn cần được cung cấp đầy đủ, lưu ý đến các thức ăn giàu omega 3, thức ăn sạch và đầy đủ các vitamin E, C và D.
Một số người khi đau xương khớp thường đi châm cứu, vật lý trị liệu… Theo Giáo sư, cách chữa trị này có ưu điểm gì và cần lưu ý gì khi áp dụng?
Trong mùa lạnh, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cũng góp phần trong dự phòng và điều trị đau xương khớp. Tuy nhiên, các biện pháp vật liệu trị liệu cần có thầy thuốc hướng dẫn bài tập tùy vào tuổi và bệnh lý của người bệnh. Các biện pháp này có thể có vai trò trong việc: Làm dịu, giảm cơn đau; duy trì được tầm hoạt động của khớp; dự phòng được biến dạng khớp, tàn phế; và giữ được sự lạc quan trong cuộc sống hàng ngày thích ứng với tình trạng bệnh lý đang có.
Giáo sư có thể cho một vài lời khuyên để có thể giữ xương khớp khỏe mạnh ngay từ khi còn trẻ để khi đến tuổi trung niên và khi về già ít bị đau xương khớp?
Vấn đề được đặt ra ở đây là khi lớn tuổi vẫn có được chất lượng cuộc sống, có nghĩa là vẫn hoạt động, đi lại, sinh hoạt cho phép với độ tuổi của mình. Muốn có được điều này, điều quan trọng là cần có bộ xương và khớp khỏe mạnh. Mà muốn có được xương khớp khỏe mạnh thì cần điều trị triệt để các bệnh lý xương khớp đã mắc; có các biện pháp dự phòng thích hợp để có bộ xương và khớp khỏe mạnh ngay từ lúc còn trẻ, ngay từ thời thanh niên bằng cách có các hoạt động thể lực thích hợp, thể dục, dinh dưỡng hợp lý, có lối sống lành mạnh không thuốc lá, hạn chế rượu bia…