Một sai lầm khi chế biến thịt gà dễ gây ngộ độc thực phẩm
Hầu hết người nội trợ đều có thói quen rửa thịt gà trước khi nấu. Tuy nhiên, điều này vô tình khiến vi khuẩn lây lan ra xung quanh, tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Chia sẻ với tạp chí Health, TS Darin Detwiler, tác giả, cố vấn và Giáo sư về chính sách thực phẩm tại Cao đẳng Nghiên cứu Chuyên nghiệp thuộc Đại học Northeastern (Mỹ), cho biết thịt gà không những không cần rửa mà việc này còn có thể gây hại nhiều hơn là lợi.
Tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Theo TS Detwiler, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc rửa thịt gà làm phát tán mầm bệnh khắp bồn rửa, xung quanh vòi nước, tay cầm và thành bồn. Trong nghiên cứu quan sát của Bộ Nông nghiệp Mỹ, những người tham gia được yêu cầu chuẩn bị gia cầm sống và một đĩa salad rau.
Các nhà nghiên cứu phát hiện 60% những người quyết định rửa gà có vi khuẩn trong bồn rửa. Và 26% trong số này gây ra tình trạng lây nhiễm chéo: Vi khuẩn từ gia cầm đã xâm nhập vào rau diếp.
TS Detwiler giải thích ý tưởng rửa gà dường như bắt nguồn từ phương pháp nấu ăn mà mọi người học được từ cha mẹ hoặc ông bà. Một cuộc khảo sát nhỏ năm 2021 đã phát hiện ra điều này là đúng - những người tham gia cho biết phương pháp chế biến gà của họ chủ yếu chịu ảnh hưởng từ gia đình.
Theo ông Detwiler, nhiều thế hệ trước cho rằng cần rửa sạch thịt gà trước khi chế biến vì mọi người thường tự tay giết mổ. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, điều này đã trở nên lỗi thời. "Chúng ta mua gà đã được giết mổ và đóng gói sạch sẽ. Chúng ta chỉ cần lấy chúng ra khỏi túi và cho vào lò nướng", Detwiler cho biết.
Ciara Lundy, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng nội trú tại Mayo Clinic ở Arizona, giải thích một khả năng khác là mọi người chỉ làm theo thói quen rửa mọi thứ được mua về.
"Với nông sản và những thứ tương tự, bạn muốn rửa sạch chúng. Với trái cây hoặc rau quả, bạn chắc chắn sẽ rửa chúng, vì bạn có thể rửa sạch bụi bẩn và những thứ tương tự. Nhưng bạn không thể rửa sạch vi khuẩn trong thịt gà", Lundy cho hay.
Nấu chín thịt gà sống là cách an toàn nhất để tránh ngộ độc
Chỉ vì bạn không cần rửa gà không có nghĩa là có thể bỏ qua các biện pháp phòng ngừa an toàn thực phẩm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính có khoảng một triệu người Mỹ bị bệnh mỗi năm do ăn gia cầm bị nhiễm bệnh và Salmonella là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất.
Nhiễm trùng do Salmonella có thể gây tiêu chảy, sốt và đau dạ dày trong 4-7 ngày. Nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, vi khuẩn có thể di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn máu, khớp hoặc não, và gây ra bệnh nghiêm trọng.
"Thông thường mọi người nghĩ rằng họ có thể rửa sạch vi khuẩn, nhưng nấu chín sẽ an toàn hơn nhiều. Nếu họ nấu gà ở nhiệt độ 165 độ, điều đó sẽ tiêu diệt hết vi khuẩn", Lundy chia sẻ.
Lưu ý khác để giữ an toàn khi nấu gà
Ngoài việc không rửa thịt gà, mọi người có thể thực hiện những bước khác để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ gia cầm.
CDC khuyến cáo mọi người nên cho gà vào túi riêng để nước thịt không chảy vào các loại thực phẩm khác. Khi mua về, mọi người nên đảm bảo gà được bảo quản trong hộp đựng an toàn hoặc được bảo quản ở dưới cùng của tủ lạnh.
Ngay sau khi mua thịt gà sống, nếu chưa ăn ngay, bạn nên bảo quản trong tủ đông. Khi chế biến, không nên nấu gà khi còn đông lạnh, cần rã đông trước.
Trong quá trình nấu, thịt gà sống phải được để trên thớt riêng để không tiếp xúc với các thực phẩm khác. Bất kỳ đồ dùng nhà bếp nào chạm vào thịt gà sống phải được rửa sạch bằng xà phòng và nước nóng. Sau khi nấu, thịt gà (và các loại gia cầm khác) có thể để trong tủ lạnh 3-4 ngày, nên giữ trong tủ đông nếu muốn ăn sau thời gian này.
Nếu bạn vẫn có thói quen rửa gà không thể sửa, CDC khuyến cáo nên thực hiện theo cách an toàn nhất có thể: Nhẹ nhàng xả nước qua gà để giảm nguy cơ nước bắn vào, vệ sinh bồn rửa và khu vực xung quanh ngay sau đó và rửa tay đúng cách.