Cần đưa quan điểm mới của Tổng Bí thư về chuyển đổi số vào văn kiện Đại hội 14
Cần quán triệt sâu sắc những quan điểm mới đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm về chuyển đổi số trong văn kiện Đại hội 14 tới đây để chuyển đổi số thực sự là một cuộc cách mạng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Nhân dịp Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết quan trọng về “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.
Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh nhiều quan điểm mới đáng chú ý về vai trò của chuyển đổi số đối với quá trình phát triển đất nước trong tình hình mới.
VietNamNet phỏng vấn PGS.TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản xung quanh vấn đề này.
4 quan điểm mới về chuyển đổi số
Ông đánh giá như thế nào về những quan điểm mới của Tổng Bí thư về chuyển đổi số?
Trong bài viết, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm đã thể hiện những quan điểm rất mới, có tính lý luận cao về vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số.
Thứ nhất, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Phải có một cuộc cách mạng chuyển đổi số để phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.
Thứ hai, những quan điểm mới trong bài viết của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm hoàn toàn phù hợp với lý luận về hình thái kinh tế xã hội của chủ nghĩa Mác – Lênin, nhưng được vận dụng, phát triển sáng tạo trong bối cảnh mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Thứ ba, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm luận giải rất sáng tỏ quy luật cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin: Quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển nhất định của lực lượng sản xuất trong cuộc cách mạng – chuyển đổi số.
Tổng Bí thư nêu rõ: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng KH-CN nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất..., đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số”.
Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng khẳng định: “Trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số... tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số”.
Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm cũng chỉ rõ: “Trong mối quan hệ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất thì lực lượng sản xuất đóng vai trò quyết định sự phát triển của quan hệ sản xuất, quan hệ sản xuất phải không ngừng được điều chỉnh để phù hợp với trình độ ngày càng cao của lực lượng sản xuất. Khi quan hệ sản xuất không theo kịp sự phát triển của lực lượng sản xuất, nó sẽ trở thành lực cản, kìm hãm sự phát triển tiến bộ của toàn bộ phương thức sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước".
Thứ tư, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm phân tích thấu đáo quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng trong điều kiện chuyển đổi số.
Tổng Bí thư phân tích: “Sự thay đổi trong quan hệ sản xuất sẽ tác động mạnh đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa Nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội. Quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ, có tính đến mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, vừa phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất hiện đại, vừa bảo đảm bản chất tốt đẹp của chế độ XHCN, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời đại mới.”
Theo tôi, điều này hoàn toàn phù hợp quy luật về mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng trong điều kiện chuyển đổi số.
Động lực mới đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Trong bài viết Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện trong thời gian tới để chuyển đổi số thực sự là cuộc cách mạng. Để thực hiện điều này, theo ông sẽ cần phải thay đổi những gì?
Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định: Chuyển đổi số phải thực sự là một cuộc cách mạng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Để thực hiện thành công cuộc cách mạng – chuyển đổi số, thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm, theo tôi cần phải có một số thay đổi căn bản.
Một là, thay đổi về nhận thức, có tư duy mới về cuộc cách mạng – chuyển đổi số.
Hai là, có quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt nhằm thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng – chuyển đổi số.
Ba là, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị vào thực hiện thành công cuộc cách mạng – chuyển đổi số.
Bốn là, tập trung xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt trong thực tiễn thể chế, cơ chế, chính sách chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội.
Năm là, khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực con người - nhân tố quyết định của sự nghiệp đổi mới, của cuộc cách mạng – chuyển đổi số.
Sáu là, hiện thực hóa cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong thực hiện cuộc cách mạng – chuyển đổi số.
Bảy là, bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng – chuyển đổi số.
Theo ông, những vấn đề này cần hiện thực hóa trong văn kiện Đại hội 14 của Đảng tới đây như thế nào?
Phải khẳng định rằng, cả trong lý luận và thực tiễn đều chứng minh những quan điểm trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là hoàn toàn đúng đắn, có tầm nhìn vượt trước, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội 14.
Vì vậy, tôi cho rằng, trong quá trình chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng các cấp, nhất là Văn kiện Đại hội 14 của Đảng, chúng ta cần quán triệt sâu sắc những quan điểm mới, tư tưởng chỉ đạo đặc biệt quan trọng của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Tô Lâm về chuyển đổi số.
Bởi đây là cuộc cách mạng tạo ra bước đột phá mới, động lực mới trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam: giàu mạnh, dân chủ, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc, vững bước đi lên CNXH.