Cần Đước: Ứng phó trước 'cơn lốc' dịch tả heo châu Phi
Những ngày này, người dân huyện Cần Đước rất lo lắng khi ngày 30/6/2019, đàn heo của một hộ chăn nuôi tại ấp Long Thanh, xã Long Trạch, tỉnh Long An chết bất thường. Kết quả xét nghiệm cho thấy đàn heo mắc dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Ngày 04/7/2019, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Phan Văn Tưởng ký Quyết định công bố ổ dịch tại xã Long Trạch.
Dịch bệnh phát sinh do sự chủ quan của người chăn nuôi
Trước tình hình diễn biến phức tạp của DTHCP, ngành chức năng huyện và lãnh đạo các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống dịch.
Do chủ quan nên hộ bà Nguyễn Thị Thể (ấp Long Thanh, xã Long Trạch) vẫn sử dụng nguồn thức ăn thừa từ các trường học ở TP.HCM được thu gom về làm thức ăn cho heo và cho rằng nguồn thức ăn này không có mầm bệnh, dẫn đến xảy ra ổ dịch.
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện - Hồ Minh Chí, đây có thể là nguyên nhân dẫn đến lây lan dịch bệnh. Để xác định nguyên nhân đàn heo mắc bệnh còn nhiều yếu tố nhưng việc tận dụng nguồn thức ăn thừa từ quán ăn, nhà hàng mà không qua xử lý nhiệt rất nguy hiểm và có khả năng làm lây lan dịch bệnh. Điều này cho thấy sự chủ quan của người chăn nuôi trong ứng phó với DTHCP.
Sau khi phát hiện dịch bệnh, ngành nông nghiệp và lãnh đạo xã Long Trạch tập trung xử lý, tiêu hủy heo theo đúng quy định. Lực lượng phản ứng nhanh của xã tổ chức phun, xịt khu vực xung quanh điểm xảy ra dịch bệnh, trên tất cả các tuyến giao thông ra, vào khu vực. Các hộ chăn nuôi heo được cung cấp thuốc, hướng dẫn kỹ thuật phun, xịt tại gia đình.
Quyết liệt chống dịch
Theo ông Hồ Minh Chí, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và UBND huyện, trung tâm triển khai cho cán bộ khuyến nông, thú y các xã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống dịch. Ngoài 100 lít thuốc Bencozine được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp, huyện xuất kinh phí dự phòng mua thêm 400 lít thuốc phun, xịt tại vùng dịch và vùng có nguy cơ xảy ra dịch. Để tránh lây lan mầm bệnh trong quá trình phun, xịt chuồng trại, huyện chủ trương cho lực lượng phản ứng nhanh phun, xịt thuốc tại ổ dịch, khu vực công cộng, đường làng, ngõ xóm,... Cán bộ thú y cũng hướng dẫn hộ gia đình phun, xịt đúng kỹ thuật nhằm giảm mầm bệnh lây lan từ chính lực lượng phun thuốc. Trung tâm cũng trang bị nón, áo bảo hộ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch, phối hợp các xã, thị trấn kiểm tra việc vận chuyển, giết mổ và tại các điểm dự kiến chôn lấp nếu xảy ra dịch bệnh.
Chủ tịch UBND xã Long Khê - Bùi Thanh Sang cho biết: Long Khê là địa bàn giáp ranh ổ dịch xã Long Trạch và xã Phước Lợi, huyện Bến Lức nên nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Toàn xã có khoảng 1.800 con heo, lãnh đạo xã chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, kiểm tra việc vận chuyển heo và các sản phẩm liên quan đến heo từ địa bàn khác đến.
Ngoài các biện pháp chuyên môn, địa phương chú trọng tuyên truyền để người dân tích cực phòng, chống dịch, không chủ quan, hoang mang dẫn đến tình trạng bán chạy đàn heo. Chính quyền và người dân cần vào cuộc quyết liệt trong phòng, chống dịch mới có thể kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do DTHCP gây ra./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/can-duoc-ung-pho-truoc-con-loc-dich-ta-heo-chau-phi-a78453.html