Cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế
Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức mới, đó là việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững; mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng; xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, đang chứng kiến xu hướng mức sinh giảm. Năm 2023, mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh là 1,96 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, có 27/63 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số 53.873.500 người, chiếm 53,7% dân số cả nước. Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện KT-XH phát triển.
Theo Cục trưởng Cục Dân số (DS) - Lê Thanh Dũng, trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng lan rộng. Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô DS, cơ cấu DS và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa DS nhanh và suy giảm quy mô DS,... tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Mức sinh là một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến tốc độ tăng DS, quy mô DS cũng như cơ cấu DS.
Nếu mức sinh quá cao sẽ dẫn đến quy mô DS tăng quá nhanh, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái và các mục tiêu phát triển KT-XH.
Mức sinh quá thấp, kéo dài sẽ tác động trực tiếp đến cơ cấu DS và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt nhóm DS trong độ tuổi lao động, gia tăng tốc độ già hóa DS.
Những điều này sẽ tác động lớn đến phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giữ mức sinh đồng đều giữa các vùng, khu vực và không để mức sinh “tụt” quá thấp, nhất là ở các tỉnh, thành phố đang có mức sinh thấp và có xu hướng tiếp tục giảm sinh. Duy trì mức sinh thay thế phải có "bài toán" đặc thù cho sự phát triển bền vững của từng vùng, miền cũng như sự phát triển chung của cả nước./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/can-duy-tri-vung-chac-muc-sinh-thay-the-a187856.html