Cần gắn kết 3 trụ cột: nhà trường - gia đình - xã hội

Theo GS. TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi các giá trị bị xô lệch, quan niệm trở nên méo mó sẽ dẫn đến hành động sai lầm, thiếu suy nghĩ, thậm chí là thô bạo và sự việc ở Trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) chính là điển hình. Do đó, để nuôi dạy một đứa trẻ cần gắn kết 3 trụ cột: nhà trường, gia đình và xã hội.

Đau xót khi giáo viên là nạn nhân của bạo lực học đường

Việc học sinh ném dép và có những lời lẽ xúc phạm giáo viên ở Trường THCS Văn Phú (Tuyên Quang) mới đây khiến nhiều giáo viên cảm thấy bàng hoàng, đau xót cho nghề nghiệp của mình. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Ba Đình (Hà Nội) cũng băn khoăn về sự vào cuộc của tổ chức đoàn thể trong nhà trường. “Là giáo viên, chúng tôi luôn mong muốn có sự bảo vệ từ phía hội đồng nhà trường, ban lãnh đạo”, cô Vân trăn trở.

Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh cũng chưa thể tin được sự việc này có thể diễn ra trên một đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo như nước ta. “Bản thân tôi đã làm việc với rất nhiều quốc gia nhưng chưa gặp trường hợp như thế này. Cá nhân nhỏ lẻ có thể diễn ra nhưng đây lại là cả tập thể”. Theo ông Minh, phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng trong thực tiễn, không phải trường học nào cũng xây dựng được thiết chế dân chủ, không phải hiệu trưởng nào cũng sát sao với cuộc sống của nhà giáo. Nhiều khi vai trò của công đoàn trong nhà trường không được thực hiện…

Trường học hạnh phúc là nơi thầy và trò được tôn trọng. Ảnh: ITN

Trường học hạnh phúc là nơi thầy và trò được tôn trọng. Ảnh: ITN

Cho rằng, khái niệm bạo lực học đường, dường như cả xã hội chỉ khu biệt giữa học sinh với học sinh, không đề cập tới vấn đề thầy cô giáo bị bạo lực. Chúng ta chưa có sự chuẩn bị, chống lại hiện tượng mới này. Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Bế Trung Anh cho rằng, ngành giáo dục cần nghiên cứu về xã hội học đối với câu chuyện bạo lực học đường, thống kê từng khu vực, từng trường học, để dự báo, sau đó mới nói đến giải pháp cụ thể.

Xây dựng Luật Nhà giáo để nâng cao vị thế người thầy

GS.TS. Nguyễn Văn Minh cho biết, trong quá trình đào tạo ngành sư phạm, nhà trường dành hơn 25% thời gian để đào tạo về nghiệp vụ, trong đó có giáo dục, tâm lý, tình huống sư phạm... Nhưng thực tiễn lại có rất nhiều tình huống khác nhau, muôn hình vạn trạng. Cho nên, để tránh sự việc như thế này xảy ra, giáo viên cần cố gắng áp dụng kiến thức này một cách linh hoạt, phù hợp trong từng trường hợp và học hỏi thêm từ những thầy cô giáo khác.

Theo GS.TS. Nguyễn Văn Minh, để nuôi dạy một đứa trẻ cần gắn kết 3 trụ cột: nhà trường, gia đình và xã hội. “Muốn làm gì cũng phải có sự đồng hành của 3 trụ cột trên. Trong trường học không thầy cô nào mong muốn có học sinh hư cả, nhưng sao vẫn xảy ra tình trạng học sinh không ngoan? Có nghĩa là các trụ cột này chưa gắn kết chặt chẽ với nhau, cho dù có thực hiện các chương trình giáo dục đúng thực tiễn thì cũng mang lại giá trị không cao”.

Đồng quan điểm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài cho rằng, mỗi giáo viên khi lên lớp phải đối mặt với rất nhiều tình huống sư phạm khác nhau. Không thể tránh khỏi những lúc học sinh bướng bỉnh, chưa nghe lời. Những lúc như vậy, giáo viên nên xử lý ra sao để vừa răn đe, uốn nắn học sinh, lại tránh gây phản cảm trong giáo dục?

Theo ông Thái Văn Tài, trước tiên, cần nói đến vai trò của giáo viên chủ nhiệm, người gần gũi học sinh nhất. Do đó, giáo viên chủ nhiệm cần ưu tiên số 1 việc giữ tôn nghiêm lớp học, ở đó, các em được tôn trọng, chia sẻ và vui vẻ. Các cô cần chú ý hơn, tham mưu cho Ban Giám hiệu khi xảy ra mâu thuẫn giữa học sinh và giáo viên bộ môn. “Tôi cũng mong giáo viên bộ môn, đặc biệt những môn học ít tiết và nhiều lớp, hãy trân trọng, tìm những điều chuẩn mực, tốt nhất, để luôn là hình ảnh tốt đẹp trước học sinh, cố gắng thấu hiểu các em trước khi bước vào lớp”.

Chia sẻ mối liên hệ giữa nhà trường và xã hội, TS. Thái Văn Tài cho rằng, giáo viên khi lên lớp là trong không gian thực, nhưng hiện nay đã bị chi phối bởi không gian mạng. Trên mạng xã hội, cô - trò - phụ huynh còn có một không gian khác, mà với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường không thể quản lý được.

Ông Tài cũng thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo theo hướng tiếp cận kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn và mong muốn thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước khi coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. "Phải bắt đầu từ giáo dục, vì không ai không được trải qua và trưởng thành từ môi trường giáo dục. Vì vậy, việc ban hành Luật Nhà giáo sẽ là căn cứ, để nhiệm vụ của ngành giáo dục được trân trọng, vị thế của giáo viên, hệ thống chuẩn mực của ngành giáo dục được lan tỏa".

Khải Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/can-gan-ket-3-tru-cot-nha-truong---gia-dinh---xa-hoi-i353459/