Cần giải pháp bền vững để ổn định thị trường xăng dầu
Tình trạng khan hiếm xăng dầu không chỉ vừa diễn ra mấy ngày qua, mà từ cuối tháng 8-2022, các tỉnh miền Tây đã thiếu xăng dầu nhưng Bộ Công thương chậm trong việc xử lý các vấn đề vướng mắc, đặc biệt với phần chiết khấu cho các đại lý.
Hiện tình trạng căng thẳng về xăng dầu đã "hạ nhiệt", nhưng thiếu bền vững khi các đại lý vẫn còn bị lỗ kéo dài.
Khan hiếm khắp nơi
Ngày 12-10, sau đợt tăng giá hôm 11-10, những tưởng tình trạng xăng dầu giảm căng thẳng nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Tại TPHCM, nhiều cây xăng mở cửa bán trở lại vẫn còn cảnh người mua xếp hàng chờ lượt. Một số cây xăng vẫn chưa chịu mở cửa, viện lý do "chưa nhập hàng" hoặc bán nhỏ giọt, dù mỗi lít xăng, dầu đều đã tăng theo chu kỳ. Có cây xăng chỉ cho mỗi xe máy đổ tối đa 50.000 đồng, xe ba gác 100.000 đồng, ôtô 500.000 đồng.
Trước đó, 2 ngày 10 và 11-10, TPHCM khan hiếm xăng dầu gay gắt khiến nhiều người dân không đổ được xăng phải dắt bộ xe máy dưới mưa, triều cường; có nhân viên phải làm việc tại nhà vì không mua được xăng để đi lại. Thậm chí đã xảy ra xô xát, như trường hợp ở cây xăng trên đường Nguyễn Duy Trinh (phường Phú Hữu, TP.Thủ Đức) vào tối 11-10.
Tại Đồng Nai, Bình Dương, hàng trăm cây xăng phải đóng cửa vì "hết xăng". Người dân Đồng Nai phải chen chúc nhau mua xăng "chợ đen" với giá 30.000 đồng/lít. Tại miền Tây, hàng trăm cây xăng ở Sóc Trăng, Cần Thơ, Long An, An Giang... đóng cửa. Ngày 11-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương yêu cầu các thương nhân đầu mối xăng dầu cung ứng khẩn cấp 73.560m3 xăng, dầu, đảm bảo nguồn cung kịp thời phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống người dân.
Không chỉ ở TPHCM, tình trạng khan hiếm xăng dầu còn lan tới Hà Nội khi 2 ngày qua, người dân phải xếp hàng để mua xăng, thậm chí có người mang cả can, chai lọ tới mua dự trữ. Trong khi đó, một vài cây xăng treo biển "tạm ngừng bán hàng, chỉ cấp nội bộ" hoặc hạn chế bán ra bằng cách đóng bớt trụ bơm.
Theo Bộ Công thương, những ngày gần đây có hiện tượng một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh bán lẻ xăng, dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh, tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... Qua thống kê đã có 100 cửa hàng đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động và hiện tượng này "không phải phổ biến".
Tuy nhiên, chỉ tính riêng Bình Dương có tới 173 cửa hàng bán lẻ xăng dầu nghỉ bán. Tại TPHCM, ngày 10-10, dù huy động trong đêm thêm 80 xe bồn cung ứng xăng dầu nhưng số lượng cây xăng hết hàng vẫn tăng rất nhanh, lên tới hàng trăm cửa hàng. Một loạt tỉnh thành phía Nam cũng trong tình trạng tương tự.
Lời cảnh báo từ miền Tây
Từ cuối tháng 8, đầu tháng 9-2022, Sóc Trăng đã khan hiếm xăng dầu, sau đó lan sang các tỉnh thành lân cận. Cùng lúc, 8 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở miền Tây thông tin nguồn cung ứng xăng dầu tại TP.Cần Thơ và các tỉnh lân cận là thiếu hụt cục bộ, nhiều cửa hàng xăng dầu của các DN này trên địa bàn khó đáp ứng nguồn cung cho người dân trong dịp lễ 02-9 và thời gian tới.
Ngay lập tức, 8 DN đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, UBND TP.Cần Thơ và Sở Công Thương TP.Cần Thơ thông báo tình hình và đề xuất các giải pháp giải quyết vấn đề. Theo đó, do nguồn cung xăng dầu khan hiếm, đặc biệt là nguồn dầu DO, các đơn vị cung ứng xăng dầu lớn như Petromekong, Saigonpetro, Petrolimex Tây Nam bộ chỉ đáp ứng được nguồn cung cho hệ thống cửa hàng trực thuộc của họ, tại các kho còn rất ít hàng.
Đồng thời, các DN còn đề xuất: xem xét điều hành giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ 7, chủ nhật, lễ, Tết; có phương án điều tiết lại chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở từ doanh nghiệp đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu. Phải bám sát và điều hành phù hợp với thực tế. Đảm bảo rằng, thương nhân đầu mối không thua lỗ trong thời gian dài, gây hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng đến các thương nhân phân phối xăng dầu và hệ thống đại lý bán lẻ.
Văn bản còn kiến nghị thanh tra, kiểm tra các đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu ngưng bán hàng hoặc bán nhỏ giọt cho thương nhân phân phối và đại lý bán lẻ, gây nên tình trạng khan hàng. Đảm bảo kế hoạch cung ứng mặt hàng xăng dầu đồng đều từ các thương nhân đầu mối, tránh tình trạng như hiện nay.
Chủ tịch nước: "Không thiếu nguồn lực, sao để người dân xếp hàng dài mua xăng dầu?"
Sáng 12-10, tiếp xúc với cử tri huyện Củ Chi trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bức xúc về tình trạng thiếu xăng dầu như hiện nay ở TPHCM và một số tỉnh thành khác. "Tôi đã điện cho Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị có giải pháp chỉ đạo, điều hành thị trường xăng dầu, không để tình hình xấu xảy ra, nhất là những thành phố đông dân như TPHCM. Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ có ý kiến với Quốc hội để có chỉ đạo Chính phủ có những giải pháp kịp thời, sát hơn để ổn định tình hình và phát triển kinh tế hơn nữa", Chủ tịch nước phát biểu.
Nguyên nhân do đâu?
Trong khi đó, Bộ Công thương cho rằng, nguyên nhân chính của hiện tượng trên do từ cuối năm 2021 đến nay, chi phí kinh doanh xăng, dầu tăng mạnh; các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của DN mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Ngoài ra, nhiều DN giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ xăng, dầu kinh doanh thua lỗ.
Bộ Công thương kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng, dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng, dầu trong nước về đến cảng và premium (chi phí tổng hợp đối với doanh nghiệp đầu mối để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở) theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng, dầu theo quy định hiện hành nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng, dầu ổn định cho thị trường.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cho rằng đã làm hết trách nhiệm. Khẳng định cơ quan quản lý Nhà nước về xăng dầu là Bộ Công Thương. Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và đã làm. Bộ Tài chính yêu cầu ngược lại, đề nghị Bộ Công Thương đánh giá và làm rõ nguyên nhân khó khăn về nguồn hàng, đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu và hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp, tiết kiệm chi phí và chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước cho mọi tình huống.
Trước tình hình thiếu xăng dầu, dự kiến ngày 19-10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công thương sẽ trực tiếp đi thị sát kho dự trữ xăng dầu tại huyện Nhà Bè để hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu, hoàn thiện phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu trình Thủ tướng Chính phủ.
Trên thực tế, với các đại lý hiện mức lỗ mỗi lít dầu là 1.700 đồng, làm sao họ duy trì được việc đưa hàng tới tay người tiêu dùng. Cần phải xem xét lại chi phí phù hợp với thị trường, hiện Bộ Tài chính đã đồng ý tăng thêm 350 đồng/lít với xăng, nhưng với mức giá biến động như hiện nay, theo các đại lý phải tăng 400 - 500 đồng/lít.
Từ đó cho thấy, nguyên nhân chính khan hiếm xăng dầu là do phần lớn các đại lý thua lỗ quá lâu, khi các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu ép hoa hồng bằng 0. Điều này khiến các đại lý càng bán càng lỗ. Chính vì vậy, UBND TPHCM cũng đã có đề nghị các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý.
Tại cuộc họp báo chiều 12-10, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, sáng 12-10, Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn về hình thị trường xăng dầu, có sự tham dự của Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, với doanh nghiệp sản xuất, đầu mối. Sau cuộc họp, Bộ tiếp tục tập trung vào giải pháp như rà soát chi phí vào cơ cấu tính giá, đặc biệt là chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, đảm bảo tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp.
Ông Đông cũng cho biết, tình hình xăng dầu diễn biến xấu, nhưng cơ bản đáp ứng nguồn cung. Theo ông Đông, từ quý 2 năm nay, giá xăng dầu tăng mạnh nhưng vẫn phải nhập khẩu, trong khi quý 3 giá giảm mạnh khiến doanh nghiệp bị lỗ nặng. Do đó, nhiều doanh nghiệp giảm chiết khấu bán hàng, cắt giảm sản lượng kinh doanh. Tín dụng bị thắt chặt, giá xăng dầu tăng, tỉ giá đồng USD tăng, khó tiếp cận ngoại tệ... Cộng thêm chi phí chưa được cập nhật đầy đủ vào cơ cấu giá.
Hy vọng sau cuộc họp này của Bộ Công thương, có thể tháo gỡ những vướng mắc trong việc nhập khẩu, đặc biệt trong việc phân phối, quyền lợi các đại lý một cách hợp lý mới mong ổn định tình trạng khan hiếm xăng dầu hiện nay một cách căn cơ.