Cần giải pháp căn cơ cho doanh nghiệp và người lao động

Ngày 11/12, trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM nói rằng, cần có những giải pháp căn cơ như tạo điều kiện để DN tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính; đề xuất cho NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, dạy nghề, kết nối việc làm…

Ông có thể cho biết tình hình báo cáo lương thưởng Tết của các DN đến thời điểm hiện nay ra sao?

Doanh nghiệp cố gắng giữ đơn hàng, giữ việc cho người lao động (ảnh tại Công ty Việt Thắng Jean) ảnh: U.P

Doanh nghiệp cố gắng giữ đơn hàng, giữ việc cho người lao động (ảnh tại Công ty Việt Thắng Jean) ảnh: U.P

Ông Lê Văn Thinh: Từ giữa tháng 11/2022, chúng tôi đã gửi công văn đến 3.000 DN đề nghị gửi báo cáo về tình hình tiền lương năm 2022 và kế hoạch tiền thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023, thời gian gửi báo cáo về Sở là trước ngày 25/12/2022. Tính đến nay, Sở đã nhận được báo cáo của 255 DN. Trên cơ sở các báo cáo này, đến cuối tháng 12, Sở sẽ tổng hợp nhanh tình hình trả lương, trả thưởng vào dịp cuối năm và báo cáo Bộ LĐ-TB&XH, UBND TPHCM.

Trong năm 2022, nhiều DN gặp khó khăn về đơn hàng, nhất là ngành dệt may, da giày. Nhiều DN không trụ nổi đã phải giải thể, sa thải NLĐ khi cái Tết đã cận kề. Là người sâu sát với DN, NLĐ… ông có suy nghĩ gì trước tình hình này?

Nhìn chung, DN trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ đang gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu, số lượng đơn đặt hàng giảm bắt đầu từ quý 4/2022 và năm 2023; lượng hàng tồn kho xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm còn lớn, dẫn đến việc đặt hàng sản xuất cho năm 2023 sụt giảm. Nếu tiếp tục trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh của DN sẽ gặp khó khăn đến hết quý 1/2023, thậm chí quý 2/2023, dẫn đến nhiều NLĐ tiếp tục bị thiếu việc làm, giảm giờ làm việc, sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.

Chúng tôi đã triển khai nắm bắt tình hình lao động tại các DN để có sự chủ động trong việc nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của NLĐ, triển khai các giải pháp hỗ trợ NLĐ như tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tổ chức phiên giao dịch việc làm để DN đang có nhu cầu tuyển lao động gặp gỡ, tuyển dụng.

Để kết nối việc làm thành công cần phải xuất phát từ 2 phía (DN và NLĐ). Hiện nay, các trung tâm dịch vụ việc làm, DN có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm đang tiếp nhận thông tin tuyển dụng của các DN với nhu cầu tuyển dụng từ 23.000-25.000 cho dịp cuối năm 2022 thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề. Về phía NLĐ, cần cân nhắc lựa chọn các công việc phù hợp với năng lực chuyên môn để tiếp tục tham gia hoạt động và có thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Thưa ông, TPHCM đang có những hỗ trợ ra sao đối với DN, NLĐ?

Sở LĐ-TB&XH TPHCM đã có báo cáo với Bộ LĐ-TB&XH xem xét, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ trong việc tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ DN có chọn lọc, phân loại ngành nghề, cũng như nới lỏng điều kiện thực thi, đơn giản về thủ tục, quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính. Đồng thời, quan tâm nghiên cứu, xem xét cho NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp từ nguồn Quỹ BHTN trong thời gian DN tạm hoãn hợp đồng lao động do không có đơn hàng sản xuất để duy trì lực lượng lao động, hỗ trợ NLĐ giảm bớt khó khăn.

Sở phối hợp với các đơn vị yêu cầu DN sớm công bố kế hoạch trả lương, thưởng, các khoản hỗ trợ NLĐ, thời gian nghỉ trong dịp Tết trên cơ sở các thỏa thuận được ghi nhận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế của DN và thông tin đầy đủ, kịp thời cho NLĐ biết; đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch như đã thỏa thuận.

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM

Để ổn định cho NLĐ trong thời gian tới, Sở có những giải pháp nào mang tính căn cơ để họ ổn định cuộc sống, nâng vị thế NLĐ?

Để thực hiện hỗ trợ NLĐ cần sự tham gia của các ngành, các cấp. Chúng tôi cho rằng cần những chương trình, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế như giữ vững ổn định chính trị để phát triển đất nước, tạo thêm nhiều việc làm mới, mở rộng thị trường, tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, tiền thưởng nhất là việc nâng lương tối thiểu, cải thiện môi trường làm việc, quan tâm nâng cao tay nghề và chăm lo nhà ở cho công nhân; tiếp tục hỗ trợ chăm sóc y tế, giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần không chỉ cho công nhân mà cả cho người thân của họ để NLĐ yên tâm tham gia lao động sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.

Trong thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh triển khai chính sách đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù trên địa bàn thành phố như lao động nông thôn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự; lao động đang làm việc trong các DN nhỏ và vừa; lao động thuộc diện có đất bị thu hồi....

Sở LĐ-TB&XH TPHCM đề xuất chính sách chăm lo Tết cho NLĐ ra sao?

Sở tổ chức 2 đoàn khảo sát trực tiếp tại 20 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, ưu tiên chọn các DN gặp khó khăn trong việc trả lương, thưởng Tết… Trên cơ sở đó, chúng tôi cùng với Liên đoàn Lao động TP triển khai chăm lo cho công nhân lao động trong dịp Tết như chương trình “Tấm vé nghĩa tình - Tết đoàn viên”, “Tết sum vầy - Xuân tri ân”, “Gia đình công nhân vui tết cùng Thành phố”, “Phiên chợ nghĩa tình - Tết đoàn viên”, thăm đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt, công nhân lao động ở trọ không về quê đón Tết… để phần nào chia sẻ, hỗ trợ giúp DN và NLĐ thêm gắn kết, cùng hưởng một mùa xuân sum vầy, trọn vẹn và nghĩa tình trên thành phố mang tên Bác.

Xin cám ơn ông!

Uyên Phương (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-giai-phap-can-co-cho-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-post1494296.tpo