Cần giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc hàng loạt; ách tắc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế
Đại biểu Quốc hội cho rằng hiện có 2 tình trạng trong ngành y tế là, nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt và chưa giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc và trang thiết bị vật tư y tế.
Phải đào sâu hơn, để thật sự nhìn thấy những vấn đề đang xảy ra của hệ thống y tế
Ngày 22/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước.
Ngành y tế đang "chao đảo, nghiêng ngửa" bởi tình trạng cán bộ bỏ việc; thiếu thuốc men, sinh phẩm; máy móc đắp chiếu
Liên quan đến vấn đề của ngành y tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chia sẻ với những khó khăn khiến ngành y tế đang "chao đảo", "nghiêng ngửa" bởi tình trạng cán bộ y tế bỏ nghề, tình trạng thiếu thuốc men, sinh phẩm, máy móc thiết bị y tế bị đắp chiếu đang diễn ra ở nhiều cơ sở y tế.
Bên cạnh đó là những vướng mắc về thanh toán bảo hiểm y tế, tự chủ tài chính, đấu thầu mua sắm, cấp chứng chỉ hành nghề…
Đại biểu Nguyễn Anh Trí kiến nghị Chính phủ cần tập trung cao độ để giải quyết vấn đề này, nhất là trong giai đoạn trình Quốc hội sửa đổi nhiều văn bản luật liên quan đến y tế. Bởi y tế là một trong những trụ cột của an sinh xã hội.
Thảo luận tại tổ 2, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng báo cáo của Chính phủ cần bổ sung một số nội dung liên quan tình hình an sinh xã hội, trong đó có lĩnh vực y tế.
Theo đại biểu, hiện có 2 tình trạng: Một là, nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt và hai là chưa giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc và trang thiết bị vật tư y tế.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, quyết tâm giải quyết bằng cách nào và giải pháp và phân tích nó thì Báo cáo chưa thấy đề cập. Do đó, đại biểu đề nghị Báo cáo cần có sự đào sâu hơn, phải thật sự thấy những vấn đề đang xảy ra hiện nay của hệ thống y tế.
Cho rằng đây là những vấn đề tồn tại nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị phải có những phân tích, nhìn nhận về cơ chế, về quan điểm BHYT, về xã hội hóa y tế.
"Xã hội hóa y tế không có nghĩa chỉ tính giá dịch vụ, tính đúng tính đủ, mà chúng ta vẫn cần một hệ thống song song là hệ thống công lập hoàn toàn, phải được đầu tư, chi trả một cách đúng theo giá thị trường, phản ánh chất lượng để cho người dân được khám chữa bệnh", đại biểu giải thích thêm.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 thì không có doanh nghiệp y tế. Trong khi đó, việc thiếu thuốc, quan trọng nhất là do cơ chế, thủ tục, giấy tờ không gia hạn số đăng ký, không cấp mới kịp.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần phải bổ sung đánh giá nhìn nhận thật sự về thực trạng, từ đó đưa ra được giải pháp.
Theo đó, Chính phủ cần đưa ra được cơ chế rút gọn, tránh tình trạng thiếu thuốc.
Đồng thời, đại biểu đề nghị phải có giải pháp căn cơ, các bộ ngành liên quan cùng Bộ Y tế xây dựng giải pháp về chính sách đãi ngộ nhân viên y tế.
Về chính sách đào tạo tuyển dụng, cho rằng có sự lúng túng khi áp dụng xã hội hóa, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị phải có vai trò của Nhà nước điều tiết, hệ thống bệnh viện công lập phải được đầu tư, phát triển xứng đáng thì mới thật sự chăm lo cho an sinh xã hội.
Bên cạnh dó, cơ chế nghiên cứu khoa học vẫn theo kiểu bao cấp, tính thực tế và chạy theo bằng cấp chưa giải quyết được, có giải phảp làm sao giải quyết được tồn đọng một cách triệt để.
Đề nghị UBTVQH ban hành Nghị quyết "giải cứu" mua sắm y tế
Dưới góc độ của người trực tiếp điều hành một bệnh viện, đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy thẳng thắn chia sẻ: Từ lúc có những ý kiến nói lên việc thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị đến nay hơn 8 tháng, dù các cấp có thẩm quyền đã có rất nhiều cuộc họp, gặp gỡ lắng nghe rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa có thay đổi nào về mặt chính sách.
Đại biểu Lưu Văn Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phản ánh, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện công ở nhiều địa phương, làm ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Theo đại biểu, thực tế tình trạng này đã diễn ra trong gần 2 năm qua và các cấp thẩm quyền đều đề ra nhiệm vụ khắc phục, giải quyết vấn đề này tuy nhiên đến nay tình trạng này chưa cải thiện.
Đại biểu kiến nghị, Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
"Tất cả nhân viên y tế ở các bệnh viện vẫn đang loay hoay không biết mua sắm như thế nào cho đúng… Hiện, nhân viên y tế thời gian làm chuyên môn giảm đi rất nhiều mà tập trung vào mua sắm, đấu thầu, dẫn tới rất nhiều khó khăn", ông Thức nêu thực tế.
Đại biểu dẫn chứng, đối với trang thiết bị y tế, tất cả các máy CT, xạ trị cao cấp đa số là độc quyền, trang thiết bị của hãng nào phải đi theo hãng đó.
Ví dụ, nếu một máy CT ở bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ bị cháy một bóng đèn cần phải thay (đây là điều bình thường vì lưu lượng sử dụng rất cao, trung bình khoảng 3-4 tháng hỏng một bóng đèn).
Nếu máy CT của hãng A, thì cũng phải mua bóng đèn của hãng A, bởi nếu mua của hãng B sẽ không lắp vào được.
Tuy nhiên, nếu trong quá trình mua sắm, nếu ghi là mua của hãng A hoặc ghi cấu hình na ná, thì vi phạm bị coi là chỉ định thầu hoặc là thông thầu. Cho nên bấp cập này cần phải điều chỉnh.
Bên cạnh đó, khi làm một kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải đủ 3 bảng báo giá theo Thông tư 58, nhưng một hãng độc quyền, một nhà phân phối thì lấy đâu ra ba báo giá? Do đó, hiện những máy CT, máy xạ trị… những thiết bị cao cấp ở các bệnh viện công lập mà hỏng là không thể nào sửa được. Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang bế tắc trong vấn đề này.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nêu vấn đề: Một khi máy CT của bệnh viên công bị hỏng, phải dừng hoạt động thì bệnh nhân đi đâu? Bệnh nhân chỉ có hai lựa chọn, một là chịu, hai là ra bệnh viện tư. Thêm vào đó bệnh viện công phải đi tìm một bệnh viện tư làm hợp đồng để người bệnh được hưởng bảo hiểm y tế.
"Bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo", đại biểu Nguyễn Tri Thức bày tỏ.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, những bệnh nhân có điều kiện sẽ ra bệnh viện tư, nhưng giá dịch vụ của bệnh viện tư chắc chắn sẽ cao hơn bệnh viện công, đặc biệt những bệnh viện công mang vai trò bệnh viện công chủ đạo trong y tế Nhà nước như Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, K… giá dịch vụ y tế rất phù hợp cho người nghèo, cho gia đình chính sách.
Khẳng định đây là vấn đề khẩn thiết, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị các đại biểu có ý kiến để gỡ vướng cho các bệnh viện công trong việc sửa chữa máy móc, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, nhất là khi Tết Nguyên đán đang cận kề, nếu không được sửa chữa trang thiết bị y tế sẽ ảnh hưởng chung đến hoạt động chung của bệnh viện.
Liên quan đến vấn đề cán bộ, nhân viên y tế xin thôi việc, trước ý kiến cho rằng bác sĩ chuyển từ công sang tư vẫn phục vụ nhân dân, đại biểu Nguyễn Tri Thức cho rằng điều này là đúng nhưng chưa đủ.
Bệnh viện tư khi mời một bác sĩ bệnh viện công thì chắc chắn bác sĩ đó là tinh hoa, bác sĩ giỏi. Người có điều kiện sẽ có cơ hội tiếp cận bác sĩ giỏi nhiều hơn người dân nghèo, như vậy không công bằng trong chăm sóc y tế, tạo sự mất bình đẳng chăm sóc y tế đối với người nghèo.
Với những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra một Nghị quyết để giải quyết tức thì những tình trạng của ngành y tế trong thời gian chờ đợi sửa tất cả các luật khác.
Nên có Luật Sự nghiệp công lập
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, vấn đề giải ngân chậm đã ảnh hưởng không nhỏ đến ngành y tế và giáo dục, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số giải pháp để giải quyết các tồn tại đã thấy rõ mà luật pháp không giải quyết được.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Trí Thức, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói rõ thêm, sự nghiệp công lập phải làm công tác nghiên cứu khoa học, vì vậy nên có Luật Sự nghiệp công lập.
Về một chỉ tiêu chưa đạt về năng suất lao động, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, năng suất lao động là nền tảng cho kinh tế phát triển, do đó Báo cáo của Chính phủ nên phân tích kỹ vì sao chỉ tiêu này chưa đạt, trong đó có đầu tư, công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị nên có điều chỉnh về chỉ tiêu này, quan tâm hoàn thiện chỉ tiêu năng suất lao động và có phân tích kỹ hơn.
Cũng tại Phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh./.