Cần giải pháp căn cơ kéo giảm khoảng cách vùng, miền

Kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình vừa qua về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 - 2020 cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, khoảng cách chênh lệch giữa các địa phương khá lớn; việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí vẫn đang đòi hỏi những giải pháp thực sự bền vững hơn...

Chưa có giải pháp bền vững

Theo Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự vào cuộc và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân. Từ đó, diện mạo, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn ngày càng hoàn thiện, từng bước hiện đại; môi trường, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang.

Người dân huyện Minh Hóa trồng cây xanh dọc các tuyến đường. Ảnh: H.Chi

Người dân huyện Minh Hóa trồng cây xanh dọc các tuyến đường. Ảnh: H.Chi

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Công Huấn cho rằng, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các địa phương còn khá lớn. Trong khi nhiều xã đã chuyển sang giai đoạn xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thì một số xã có số tiêu chí đạt rất thấp. “Phong trào xây dựng NTM ở một số địa phương có dấu hiệu chững lại, cầm chừng; việc duy trì chất lượng các tiêu chí NTM chưa có giải pháp bền vững và chưa chú trọng phát huy, nâng cao chất lượng tiêu chí…”, ông Huấn nhấn mạnh.

Làm việc trực tiếp tại một số đơn vị, các thành viên Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh cũng nhận định: một số tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 đã bộc lộ bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh nhưng chưa được điều chỉnh, gây khó khăn, làm chậm cơ hội đạt chuẩn của một số xã. Công tác tuyên truyền có nơi chưa phong phú và chưa thường xuyên; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” có nơi chưa thực sự tích cực... Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, phối hợp của một số sở, ngành thiếu thường xuyên, quyết liệt; trách nhiệm chỉ đạo của một số sở, ngành, phòng, ban, đơn vị đối với tiêu chí được phân công phụ trách chưa cao nên một số xã về đích không đạt tiến độ…

Theo nhận định của Đoàn giám sát, nguyên nhân khách quan do Chương trình có khối lượng công việc nhiều, đa ngành, đa lĩnh vực với hệ thống các tiêu chí phức tạp, yêu cầu đạt chuẩn cao và bền vững trong khi thời gian, lộ trình thực hiện có hạn. Một số chỉ tiêu của Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra quá cao, trong khi nguồn lực hạn chế nên khó thực hiện nếu không điều chỉnh giảm. Ảnh hưởng sự cố môi trường biển, đại dịch Covid-19 và đợt lũ lụt lịch sử năm 2020 đã tác động tiêu cực đến việc triển khai thực hiện và giữ vững, duy trì các tiêu chí, nhất là các tiêu chí về hạ tầng kinh tế - xã hội, thu nhập, tổ chức sản xuất, môi trường...

Đáng chú ý, nguyên nhân chủ quan do một số xã rà soát thực trạng đạt được các tiêu chí chưa chính xác, khối lượng công việc còn lại vượt khả năng nên đã đăng ký nhưng không thể hoàn thành theo kế hoạch; một số xã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, chưa chú trọng đến các tiêu chí khác (như: phát triển sản xuất, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân...); các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa đủ mạnh nên chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư thúc đẩy chương trình…

Tránh lãng phí, thất thoát nguồn lực

Để khắc phục những tồn tại trên, Thường trực HĐND tỉnh Quảng Bình kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu để điều chỉnh một số chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí xã NTM, xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 ban hành tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ do mức quy định quá cao so với thực tế của tỉnh Quảng Bình. Cụ thể, nên có lộ trình thực hiện hoặc giảm tỷ lệ các chỉ tiêu, như: “tỷ lệ hỏa táng” >5%; “tỷ lệ dân số có sổ khám bệnh điện tử” >50%; “tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa” >40%; “tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định…

Đoàn giám sát cũng đề nghị ban hành quy định các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn phù hợp với bộ tiêu chí mới để các địa phương có cơ sở bổ sung, điều chỉnh những nội dung đã ban hành giai đoạn trước, hiện không còn phù hợp. Điều chỉnh mức hỗ trợ cho người học nghề về kinh phí đào tạo, tiền ăn, tiền đi lại để khuyến khích lực lượng lao động nông thôn học nghề do các mức hỗ trợ theo “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27.11.2009 và Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28.9.2015 của Thủ tướng Chính phủ hiện không còn phù hợp…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Công Huấn, UBND tỉnh cần tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân tham gia thực hiện Chương trình; rà soát lại các cơ chế, chính sách đã ban hành, nghiên cứu các quy định liên quan để sửa đổi, bổ sung bảo đảm phù hợp và hiệu quả…

Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí thực hiện. Trong đó, tập trung khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; hỗ trợ các xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Đoàn giám sát lưu ý UBND tỉnh cần có kế hoạch, dành các nguồn vốn đầu tư phát triển, các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm, các khoản dự phòng ngân sách... để bố trí đối ứng bảo đảm tỷ lệ quy định của Thủ tướng Chính phủ cho các dự án, công trình xây dựng NTM sử dụng ngân sách Trung ương. Bổ sung, hỗ trợ nguồn lực, triển khai giải pháp hữu hiệu cho các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí làm nền tảng để xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu theo hướng bền vững… Tăng cường chỉ đạo việc quản lý, sử dụng vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương bảo đảm đúng quy định, tập trung, trọng điểm, tránh dàn trải gây lãng phí thất thoát nguồn lực…

Diệp Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/can-giai-phap-can-co-keo-giam-khoang-cach-vung-mien-i324097/