Cần giải pháp căn cơ, lâu dài
Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều giải pháp nhưng tình hình tội phạm trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ để lừa đảo, tín dụng đen... vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Do đó, tại phiên họp sáng 13.9, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, các cơ quan cần đánh giá đúng tình hình, phân tích kỹ nguyên nhân để đề ra giải pháp cụ thể, căn cơ trong thời gian tới.
Đánh giá đúng tình hình tội phạm trên không gian mạng
Cho ý kiến về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ cho rằng, năm 2023, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có rất nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp tốt của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự chỉ đạo của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan có liên quan, công tác tư pháp, cũng như các công tác phòng chống tham nhũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng và có nhiều tiến bộ hơn so với năm trước.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể chung, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, một số loại tội phạm tăng mạnh, như: giết người, cướp tài sản, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, gây rối trật tự công cộng...
Quan tâm đến tình hình tội phạm trên không gian mạng, đặc biệt là lừa đảo đang khá phổ biến, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới cho rằng, dù cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiều công cụ quản lý, thực hiện nhiều giải pháp chặt chẽ, nhưng đây vẫn là vấn đề nóng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, các cơ quan cần đánh giá đúng tình hình, phân tích kỹ nguyên nhân để đề ra giải pháp cụ thể trong thời gian tới.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê K’đăm cho biết, cùng với sự mở rộng của hệ thống phủ sóng internet và mạng xã hội, việc sử dụng điện thoại thông minh trở nên phổ biến, ở nhiều khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhiều đối tượng đã lợi dụng để thực hiện thủ đoạn của các tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt.
Các đối tượng này khai thác điểm yếu về dân trí và sự thiếu thông tin, tâm lý chủ quan, cả tin, nhẹ dạ của đồng bào dân tộc thiểu số để thực hiện hành vi lừa đảo, giả danh cơ quan pháp luật, cán bộ nhà nước, giả danh khách hàng mua bán hàng trực tuyến, lừa đảo nâng cấp sim, hack tài khoản, kết bạn làm quen trên mạng xã hội, tuyển cộng tác viên qua mạng. Các đối tượng còn tinh vi hơn khi sử dụng công nghệ để làm giả hình ảnh, giọng nói người quen của bị hại tham gia mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không chỉ riêng đồng bào ở những nơi khó khăn, kể cả những người có nhận thức nhất định cũng vẫn có thể bị lừa và vừa qua nhiều nơi đã bị lừa về việc này. Từ thực tế này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp khắc phục.
Cần giải pháp quyết liệt ngăn chặn tín dụng đen
Bên cạnh đó, qua theo dõi tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng nhận thấy, trong thời gian qua, tình hình tín dụng đen khá nhức nhối, xuất hiện các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, lợi dụng công nghệ cao, "núp bóng" doanh nghiệp để thực hiện các hành vi cho vay lãi suất cao và đòi nợ trái pháp luật. Về địa bàn hoạt động, loại tội phạm này xuất hiện nhiều trong các khu lao động, các khu công nghiệp, chủ yếu lợi dụng những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu vay các khoản vay nhỏ và phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày.
Loại hình cho vay này cũng có thủ tục rất đơn giản, nhanh chóng, thậm chí có những hoạt động không cần gặp mặt, không cần thế chấp tài sản, chỉ yêu cầu người vay đồng ý cho truy cập vào danh bạ điện thoại là có thể cho vay được. Đến hạn trả nợ, nếu người vay không trả được thì các đối tượng sử dụng danh bạ điện thoại của người vay để gọi điện cho người thân, đồng nghiệp để đòi nợ, gây mất an ninh trật tự, khống chế và tạo áp lực cho người vay hoặc lại tiếp tục cho vay các khoản vay mới để nâng mức nợ đối với các đối tượng vay. Rất nhiều trường hợp trong thời gian vừa qua đã phát hiện, khởi tố, có những trường hợp lãi suất rất cao, lên tới 1000%.
Nhấn mạnh thực tế nêu trên, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai các giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tín dụng đen. Đồng thời, đề nghị, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các giải pháp để người lao động thuận lợi trong việc tiếp cận các khoản vay nhỏ, các khoản vay tiêu dùng. Qua đó, giúp người lao động không rơi vào những cạm bẫy của những đối tượng lợi dụng vào khả năng tiếp cận của những người khó khăn, của người lao động với vốn vay ngân hàng để thực hiện các hành vi cho vay với phương thức đơn giản nhưng lại có những thủ đoạn rất tinh vi để cho vay tín dụng đen với lãi suất cao.
Giải trình về vấn đề được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến thừa nhận, trong năm 2023, có nhiều loại tội phạm mới, với những phương thức, thủ đoạn mới để đối phó với các cơ quan thực thi pháp luật, nhất là tội phạm trên không gian mạng. Khẳng định đây là những thách thức đối với lực lượng thực thi pháp luật, nên Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng.
Về nguyên nhân của tình trạng tín dụng đen, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nổi lên nguyên nhân là việc tiếp cận các nguồn vay vốn của người lao động, người dân qua kênh ngân hàng thương mại khó hơn, trong khi đó, phương thức, thủ đoạn của tội phạm cho vay của tín dụng đen lại rất dễ dàng. Bộ Công an vừa mở đợt cao điểm trong toàn quốc từ nay đến cuối năm để tập trung đấu tranh, triệt phá loại tội phạm này.
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ cần phân tích, dự báo xu hướng tội phạm vi phạm pháp luật trong thời gian tới; làm rõ trách nhiệm, giải pháp của các cơ quan có trách nhiệm đối với các loại tội phạm mới như: các hình thức lừa đảo trên mạng; tội phạm không gian mạng; tín dụng đen...