Cần giải pháp cấp bách để hạ nhiệt giá vàng

Những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, thị trường vàng trong nước đã và đang ghi nhận những động thái đột phá lạ, với nhiều cái nhất chưa từng có: Giá vàng lập đỉnh cao nhất mọi thời đại; chênh lệch cao nhất giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế, giá vàng SJC với giá vàng các thương hiệu khác, cũng như giá vàng bán ra-mua vào; biên độ tăng, giảm giá trong ngày lớn nhất từ trước đến nay...

Nguy cơ người dân sùng bái, thậm chí “tiền tệ hóa” vàng

Trong bối cảnh cơ hội và lợi nhuận đầu tư đa số các lĩnh vực khác gặp khó khăn, thì những động thái chênh lệch giá vàng nêu trên đã làm tăng nguy cơ các hoạt động buôn lậu vàng, tăng xu hướng sùng bái, thậm chí “tiền tệ hóa” vàng SJC và tạo cơ hội cho những hoạt động tiêu cực, nhất là việc đầu cơ, trục lợi và lợi ích nhóm gắn với việc sản xuất và kinh doanh vàng SJC trên thị trường trong nước. Thậm chí, chỉ cần mua vàng 9999 của các thương hiệu khác để sản xuất ra vàng miếng hay nhẫn SJC là có thể thu lời nhanh chóng, khi cơ chế quản lý SJC và các quy chuẩn về thương hiệu vàng quốc gia SJC chưa được công bố công khai rộng rãi và liệu thực tế cơ chế quản lý thương hiệu vàng này đã chặt chẽ hay chưa...?

Sư chênh lệch và cơn sốt săn vàng SJC khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi do phải mua vàng với giá đắt và nhiều người dân tất toán tiền tiết kiệm, chuyển sang nắm giữ vàng. Đồng thời, dòng tiền trong nền kinh tế bị vướng vào vòng luẩn quẩn: Nhà đầu tư chuyển vốn vào vàng, khiến nền kinh tế khan hiếm tiền vào đầu tư, sản xuất; khiến chính sách phục hồi kinh tế trở nên khó khăn hơn, khiến xã hội phục hồi xu hướng vàng hóa và tiền tệ hóa vàng SJC.

Giá vàng thế giới chịu tác động cộng hưởng của nhiều nhân tố như kỳ vọng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gắn với diễn biến bất định của lạm phát ở Mỹ; sự khó lường của căng thẳng địa chính trị và kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ sắp tới; kinh tế Trung Quốc suy giảm tăng trưởng và việc các ngân hàng Trung ương trên thế giới tiếp tục mua trữ vàng với khối lượng lớn cả nghìn tấn mỗi năm...

Giá vàng trong nước cũng chịu ảnh hưởng cùng chiều của các nhân tố trên do Việt Nam là nước nhập khẩu vàng trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm xuống thấp, các kênh đầu tư bất động sản và thị trường chứng khoán kém hấp dẫn...

Tuy nhiên, việc giá chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới, cũng như giữa vàng SJC với các vàng thương hiệu khác cho thấy sự tắc nghẽn trong liên thông thị trường trong nước và quốc tế, cũng như sự thiếu minh bạch, chưa cạnh tranh bình đẳng giữa các thương hiệu vàng trong nước.

Theo tinh thần Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3-4-2012 của Chính phủ, Nhà nước hiện vẫn độc quyền xuất, nhập khẩu vàng và sản xuất vàng miếng; không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá cả vàng miếng, nhưng Nhà nước luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân và cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác.

 Cần giải pháp cấp bách để hạ nhiệt giá vàng. Ảnh minh họa: TTXVN

Cần giải pháp cấp bách để hạ nhiệt giá vàng. Ảnh minh họa: TTXVN

Tiếp tục điều chỉnh cách thức đấu thầu vàng

Sáng qua (14-5), phiên đấu thầu vàng lần thứ 6 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tổ chức đã ghi nhận sự chuyển biến tích cực về số lượng thành viên tham gia cũng như lượng vàng cung ứng ra thị trường.

Các lần trước thường bị hủy do chỉ có một thành viên đặt cọc hoặc có tối đa hai thành viên trúng thầu, nhưng phiên sáng qua có tới 8 doanh nghiệp trúng thầu 8.100 lượng vàng (gần 50% tổng số 16.800 lượng chào thầu). Dự kiến, số vàng này sẽ tới tay các doanh nghiệp và ngân hàng vào ngày 15-5.

Đây là phiên ghi nhận lượng vàng miếng trúng thầu cao nhất (hai lần trước mỗi phiên chỉ 3.400 lượng). Như vậy, thông qua 3 lần đấu thầu thành công, nhà điều hành đã tung ra thị trường 14.900 lượng vàng miếng.

Giá trúng thầu phiên sáng qua dao động từ 87,72 đến 87,73 triệu đồng/lượng, cao hơn 1,7 triệu đồng so với giá SJC mua vào từ người dân và thấp hơn gần 1,3 triệu đồng so với giá bán ra.

Sau các lần đấu thầu "ế ẩm" trước đó, phiên sáng qua đã được nới điều kiện về quy mô tối thiểu và tối đa đặt thầu, qua đó tạo điều kiện cho nhiều thành viên tham gia hơn. Cụ thể, số lượng tối thiểu doanh nghiệp có thể đặt trong phiên giảm từ 700 lượng xuống còn 500 lượng. Mức mua tối đa là 4.000 lượng, gấp đôi so với ngưỡng 2.000 lượng trước đó.

Có thể nói phiên đấu thầu thứ 6 đã có những thay đổi về cách thức tổ chức để từ đó cải thiện nguồn cung vàng SJC. Trước đó, 3/5 cuộc đã bị hoãn do không đủ thành viên tham gia và chỉ có hai cuộc tổ chức thành công.

Sự không thành công của các phiên đấu thầu trước đó không chỉ thể hiện ở quy mô bán ra khiêm tốn kiểu “nhỏ giọt”, với mỗi phiên chỉ có hai người mua mà còn ở chỗ tạo nghịch lý sau đấu thầu vàng là giá SJC lại tăng mãnh liệt và giãn cách chênh lệch giá vàng trong nước với giá vàng thế giới lại bị đẩy cao lên thay vì mục tiêu phải kéo xuống như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của lãnh đạo NHNN Việt Nam.

Động thái lạ này không chỉ do giá vàng thế giới tiếp tục diễn biến tăng giảm phức tạp mà còn cho thấy những bất cập mà cách thức tổ chức đấu thầu vàng miếng tạo ra, thể hiện đậm nét ở các điều kiện tổ chức thầu, cả về điều kiện giá tối thiểu, quy mô mua tối thiểu và thời gian nhận vàng miếng sau đấu thầu và thanh toán...

Việc lấy giá tối thiểu mời thầu ở mức cao, xấp xỉ mức giá mua vào của các doanh nghiệp kinh doanh vàng là nguyên nhân hàng đầu khiến khó kéo hạ giá vàng trong nước. Hơn nữa, giá mở thầu cao còn là gián tiếp khẳng định giá trong nước trước thời điểm mở thầu là giá hợp lý, bất chấp thực tế cao chênh so với giá thế giới tới cả chục triệu đồng, do tính độc quyền và khan hiếm nguồn cung vàng SJC. Việc định giá tối thiểu cao và quy mô bán ra nhỏ giọt đã trực tiếp tạo cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh vàng tạo sức ép buộc người mua chấp nhận giá cao, dù giá thế giới giảm nhanh...

Ngoài ra, điều kiện đấu thầu không hấp dẫn người mua vì NHNN Việt Nam buộc phải mua với khối lượng lớn (lần đấu thầu đầu tiên NHNN Việt Nam định mức phải mua tối thiểu là 1.400 lượng và lần sau là 700 lượng), trong khi lại không chắc chắn có vàng ngay sau đấu thầu, do NHNN Việt Nam sẽ giữ quyền hủy kết quả đấu thầu nếu không liên hệ được đối tác mua vàng nhập về để dập thành vàng miếng SJC giao trả người trúng thầu. Đó là chưa kể việc đột ngột thay đổi giá tối thiểu trong đấu thầu lần đầu cũng thể hiện sự chưa chuyên nghiệp và chưa tôn trọng người mua trong quy định đấu thầu.

Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục điều chỉnh cách cung cấp vàng miếng ra thị trường nói chung, các điều kiện đấu thầu vàng miếng SJC nói riêng, đồng thời, thực hiện kiểm toán hiệu quả chính sách để làm căn cứ điều chỉnh đối với Nghị định 24, cũng như mở cuộc điều tra thích hợp về các sai phạm, lạm dụng và lợi ích nhóm trong quản lý thị trường vàng trong nước và thương hiệu vàng SJC thời gian qua.

Cần chống nguy cơ tiền tệ hóa vàng

Đặc biệt, việc bổ sung các biện pháp minh bạch cần thiết chống “tiền tệ hóa” vàng SJC và làm tăng sự bình đẳng của thương hiệu này với các vàng 9999 khác là hết sức cấp thiết.

Đó cũng là một phần nhiệm vụ quan trọng và trực tiếp, gián tiếp góp phần mở rộng, đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế thị trường, tăng cường cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng đầy đủ và sâu rộng, toàn diện hơn.

Trước mắt, NHNN Việt Nam và các cơ quan chức năng cần quán triệt đầy đủ và nghiêm túc Văn bản số 213/TB-VPCP ngày 10-5-2024 của Văn phòng Chính phủ, trong đó thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng trong thời gian tới.

Theo đó, NHNN Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tại các nghị quyết, công điện, chỉ thị và các văn bản có liên quan, nhất là Thông báo số 160/TB-VPCP ngày 11-4-2024 của Văn phòng Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp; tập trung vào việc: Khẩn trương rà soát, đánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng của NHNN Việt Nam trong thời gian qua và diễn biến thị trường trong nước, quốc tế để theo thẩm quyền xem xét thực hiện kịp thời hơn, hiệu quả hơn các giải pháp, công cụ điều hành theo quy định pháp luật để ổn định, bình ổn ngay thị trường vàng theo mục tiêu đề ra, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn hoạt động của thị trường vàng, khắc phục ngay tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.

Khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng, việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, quy định pháp luật về cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 5-2024, không để chậm trễ hơn nữa.

Quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng miếng, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vàng miếng, nhất là các hành vi vi phạm pháp luật, buôn lậu, thẩm lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá, cạnh tranh không đúng quy định... Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật kịp thời chuyển ngay hồ sơ đến Bộ Công an và các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.

Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, chính sách quản lý thị trường vàng phù hợp với thực tiễn, đúng quy định pháp luật, có công cụ kiểm soát, quản lý hiệu quả, hiệu lực đối với thị trường vàng và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đối với hoạt động kinh doanh vàng.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN Việt Nam và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng theo từng lần, kiên quyết không để chậm trễ.

Các bộ, cơ quan: Công an, Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, lực lượng biên phòng, thuế, hải quan, quản lý thị trường, cơ quan liên quan đến quản lý nhà nước về cạnh tranh và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ với NHNN Việt Nam trong việc quản lý, bình ổn thị trường vàng, bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng theo đúng quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan; kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền các vấn đề vượt thẩm quyền, phát sinh.

Làm tốt các giải pháp và nhiệm vụ trên sẽ tạo nền tảng vững chắc để tăng tính liên thông thị trường, lành mạnh hóa thị trường vàng trong nước và giảm nhiệt nhanh, không để tái diễn tình trạng người dân đổ xô đi mua vàng.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/can-giai-phap-cap-bach-de-ha-nhiet-gia-vang-776941