Cần giải pháp đột phá cho các 'điểm nghẽn' đầu tư công ở Hà Nội
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, sau gần 6 tháng đầu năm, kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn thành phố đạt rất thấp, do đó, cần các giải pháp có tính đột phá cho các 'điểm nghẽn'...
Sáng nay, 28-6, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII khai mạc Hội nghị lần thứ 8, xem xét, cho ý kiến về một số nội dung quan trọng.
Chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh cũng như gợi ý một số nội dung để Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng được trình tại Hội nghị lần thứ 8.
Cụ thể, về việc giao kế hoạch, kết quả giải ngân, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 ngân sách cấp thành phố, Bí thư Thành ủy nêu rõ, sau gần 6 tháng triển khai thực hiện, kết quả giải ngân vốn đầu tư công toàn thành phố tính đến ngày 16/6/2022 đạt rất thấp, chỉ bằng 17,4% kế hoạch giao và thấp hơn mức trung bình của cả nước (tính đến ngày 31/5/2022 cả nước đạt 20,45%).
Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn thực hiện các nhiệm vụ, dự án đầu tư cấp Thành phố chỉ đạt 14,5% kế hoạch, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cấp huyện đạt 19,9%.
Bí thư Thành ủy nêu rõ, thực trạng hiện nay, có một số dự án đã được bố trí vốn nhưng do nhiều nguyên nhân không thể đảm bảo tiến độ giải ngân; song cũng có có một số dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, vẫn còn một số nguồn vốn với tổng số khoảng 3.268 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết cũng đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân…
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đồng chí Thành ủy viên và các đồng chí tham dự Hội nghị, nhất là các đồng chí Bí thư cấp ủy với thực tiễn từ cơ sở, tập trung thảo luận, thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan có tính căn cơ; trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể.
Đồng thời, đề xuất các giải pháp, nhất là các giải pháp có tính đột phá cho các “điểm nghẽn” có tính chủ quan trong chỉ đạo điều hành giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, các ngành; đặc biệt cần thảo luận, cho ý kiến kỹ về phương án điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố…
Về nội dung phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương của TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND TP đã sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý nhà nước lĩnh vực hạ tầng, kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các địa phương.
Đến nay, Ban cán sự đảng UBND TP đã bước đầu hoàn thiện Đề án đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội; Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đã họp, cho ý kiến về những quan điểm, định hướng lớn trong Đề án và thống nhất trình xin ý kiến Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố để tiếp tục thảo luận, hoàn thiện Đề án, trước khi trình HĐND thành phố phê duyệt theo thẩm quyền.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ, đây là một nhiệm vụ khó, phức tạp, có tính bao quát rộng trên toàn bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tính khả thi còn phụ thuộc nhiều yếu tố như năng lực bộ máy cán bộ, nguồn lực về tài chính...
Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, ổn định, lâu dài của quy định về phân cấp, ủy quyền trên địa bàn thành phố, Bí thư Thành ủy đề nghị hội nghị tập trung thảo luận, bàn và đánh giá một cách thực chất những mặt được, mặt chưa được và đề xuất các nội dung, lĩnh vực, nhiệm vụ cần đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cũng như các thủ tục hành chính có thể ủy quyền cho chính quyền địa phương.
Về dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ TP thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bí thư Thành ủy đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến thiết thực về dự kiến danh mục các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, đề án phân công cho các cơ quan, đơn vị thực hiện, thời gian triển khai, hoàn thành...
Về Chương trình phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Dự thảo Chương trình đã đánh giá thực trạng phát triển nhà ở giai đoạn 2012-2020; đồng thời nêu rõ quan điểm phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, mục đích, yêu cầu, dự báo nhu cầu nhà ở trên địa bàn TP trong giai đoạn mới.
Trong đó, đã có dự báo về dân số và diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố; nhu cầu nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư, nhu cầu về vốn để đầu tư xây dựng nhà ở…; trên cơ sở đó đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển nhà ở theo từng giai đoạn đến năm 2025, 2030, các giải pháp thực hiện, nhất là về cơ chế, chính sách, và phân công tổ chức thực hiện.
“Những nội dung trình Hội nghị Ban chấp hành đảng bộ TP lần này là những nội dung có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển của Thủ đô chúng ta, không chỉ trong năm 2022, trong nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tiếp theo”- Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nói.