Cần giải pháp đột phá phát triển giáo dục mầm non
Với tư tưởng phải dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước, giáo dục mầm non cần có những giải pháp đột phá.
Ngày 4/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; các thành viên Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023-2026; Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Lai Châu, Thái Bình, Nghệ An, Ninh Thuận, Gia Lai, Sóc Trăng; đại diện một số Bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội.
Giáo dục mầm non đã có bước phát triển khá toàn diện
Báo cáo đổi mới, phát triển giáo dục mầm non (GDMN) đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho biết:
GDMN có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam.
Luật Giáo dục 2019 khẳng định: “GDMN là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân; GDMN nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam”.
10 năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có GDMN.
Qua việc triển khai thực hiện ở các cấp, các địa phương trên phạm vi toàn quốc, GDMN từ cấp học còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ, mạng lưới trường lớp chưa được quan tâm quy hoạch, đến nay, đã có bước phát triển khá toàn diện, tạo nền tảng cơ bản để phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Chương trình GDMN được điều chỉnh từng bước để phù hợp hơn với thực tiễn. Việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực thúc đẩy GDMN phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Hầu hết trẻ mẫu giáo 5 tuổi được tới cơ sở GDMN, được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục theo Chương trình GDMN, chuẩn bị các điều kiện cho trẻ em sẵn sàng vào lớp 1.
Quy hoạch, phát triển mạng lưới trường, lớp được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em đến trường và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để thực hiện Chương trình GDMN được quy chuẩn và quan tâm đầu tư.
Chính phủ ban hành chính sách phát triển giáo dục mầm non. Các chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn, hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo vùng khó khăn, hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép và tăng cường tiếng Việt, hỗ trợ con em công nhân... đã góp phần nâng cao chất lượng GDMN.
Còn nhiều khó khăn, tồn tại với bậc học nền tảng
Bên cạnh những thành tựu, GDMN vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Theo đó, chương trình GDMN chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo NQ 29-NQ/TW, yêu cầu về Chương trình GDMN tại Luật Giáo dục, chưa liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Mạng lưới trường, lớp chưa đáp ứng nhu cầu đi học của trẻ. Năng lực đáp ứng nhu cầu huy động trẻ của mạng lưới cơ sở GDMN còn hạn chế. Tỷ lệ huy động: trẻ nhà trẻ mới đạt 32,1%, trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi mới đạt 93,1%. Hiện có khoảng gần 300.000 trẻ em mẫu giáo 3 - 4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long.
Định hướng trong công tác chỉ đạo của ngành Giáo dục về GDMN: Tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Đảng, Chính phủ, mong đợi của nhân dân về phát triển GDMN; khắc phục những hạn chế, khó khăn, từng bước phát triển GDMN đáp ứng yêu cầu "chất lượng, công bằng, hòa nhập", qua đó, đặt nền móng quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy đất nước phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hệ thống trường mầm non công lập hiện nay chưa đủ điều kiện để nhận thêm trẻ. Hệ thống trường ngoài công lập khó phát triển ở nhiều nơi, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đông dân cư, phần lớn trẻ em con công nhân, con của người lao động đang được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong các cơ sở GDMN độc lập với điều kiện về chất lượng còn nhiều hạn chế.
Cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng để thực hiện Chương trình GDMN. Hiện nay tính riêng cấp học mầm non, toàn quốc còn khoảng trên 5.000 phòng học nhờ, học tạm không đảm bảo an toàn; số phòng học kiên cố mới đạt khoảng 82%; thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, miền núi.
Đội ngũ giáo viên thiếu nhiều, chất lượng chưa bảo đảm. Tình trạng thiếu giáo viên mầm non kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết. Hiện nay toàn quốc còn thiếu khoảng 50.000 giáo viên mầm non. Trong bối cảnh thiếu nhưng các địa phương vẫn thực hiện tinh giản biên chế viên chức là giáo viên mầm non.
Tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc và nghề giáo viên mầm non ngày càng ít hấp dẫn do thu nhập đang thấp nhất trong các cấp học, trong khi giáo viên chịu áp lực công việc cao nhất, thời gian làm việc trong ngày tại cơ sở GDMN dài nhất (9-12 giờ mỗi ngày).
Kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDMN rất hạn chế; chưa có bất kỳ đề án, dự án nào có đủ kinh phí để xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non.
Mục tiêu “công bằng” trong phát triển GDMN chưa bảo đảm. Khoảng cách trong đảm bảo các điều kiện giáo dục giữa các vùng miền còn khá lớn. Vẫn còn 40,9% trẻ em vùng khó khăn chưa được tiếp cận với GDMN.
Còn hạn chế trong thực hiện mục tiêu giáo dục “hòa nhập”. Việc đáp ứng nhu cầu và khả năng khác nhau của trẻ em trong GDMN chưa được bảo đảm tại nhiều địa phương theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Trẻ em. Mục tiêu giáo dục hòa nhập ở GDMN chưa được hiện thực hóa trong mỗi lớp học, trong các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại cũng được nêu rõ trong báo cáo của Bộ GD&ĐT.
Đồng bộ giải pháp thực hiện mục tiêu giáo dục mầm non đến 2030
Chia sẻ về mục tiêu phát triển giáo dục mầm non, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho biết: Đến năm 2030, giáo dục mầm non tập trung vào 3 mục tiêu.
Thứ nhất là đổi mới Chương trình GDMN theo tiếp cận năng lực, tôn trọng quyền của trẻ em, dựa trên trục tình cảm - xã hội phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi và sự phát triển toàn diện của trẻ em về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, đặt nền móng để hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.
Thứ hai, tăng cơ hội tiếp cận GDMN có chất lượng cho trẻ em mầm non thông qua thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo; nâng cao cơ hội tiếp cận và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nhà trẻ và nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong các cơ sở GDMN.
Thứ ba, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư; coi trọng phát triển giáo dục hòa nhập và vấn đề công bằng trong xây dựng, triển khai các chính sách nhà nước dựa trên quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Để thực hiện mục tiêu phát triển GDMN, cần triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất: Thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo theo yêu cầu tại Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa 13.
Thứ hai, đổi mới Chương trình GDMN nhằm hiện thực hóa đường lối, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW của Đảng và Luật Giáo dục 2019.
Thứ ba, phát triển GDMN vùng khó khăn, khu công nghiệp, khu chế xuất và nơi tập trung đông dân cư.
Thứ tư, hỗ trợ cơ sở GDMN để giáo dục hòa nhập cho trẻ yếu thế, trẻ có nhu cầu đặc biệt.
Thứ năm, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển GDMN; sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đầu tư và việc huy động, kết nối nguồn lực xã hội để phát triển GDMN; đặc biệt quan tâm chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; ưu tiên ngân sách chi cho phát triển GDMN.
Thứ sáu, đầu tư, bổ sung các điều kiện bảo đảm để thực hiện mục tiêu “chất lượng, công bằng, hòa nhập”.
Thứ bảy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về chủ trương, mục đích, ý nghĩa của việc phát triển GDMN.
Thứ tám, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương; phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc phát triển GDMN.
Thực trạng phát triển GDMN hiện nay chưa tương xứng với vị trí, vai trò của bậc học GDMN, bậc học đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người, có đối tượng giáo dục là trẻ thơ cần được giáo dục nhất và yêu cầu về chất lượng giáo dục cao nhất.
Với tư tưởng phải dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước, GDMN cần có được những giải pháp đột phá để thay đổi hiện trạng, cần thay đổi quan điểm đầu tư để có chương trình giáo dục tốt, đảm bảo các điều kiện về đội ngũ GVMN, về cơ sở vật chất, trường lớp để mọi trẻ em mầm non có cơ hội tiếp cận GDMN có chất lượng.