Cần giải pháp thích hợp nâng cao năng lực cạnh tranh

ĐBP - Ðó là khẳng định của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Ðức Toàn về những bài học rút ra từ việc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 tỉnh ta giảm 2 bậc so với năm 2019.

Tạo môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển là một trong những giải pháp nâng chỉ số PCI. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Ðầu tư và Xây dựng Vĩnh Phúc thi công kè bảo vệ ruộng lúa bản Nậm Nèn 1, 2 xã Nậm Nèn (huyện Mường Chà).

Những năm đầu thực hiện công bố chỉ số PCI thường niên, chỉ số PCI tỉnh ta luôn xếp hạng thấp so với các tỉnh, thành phố khác trong toàn quốc (3 năm 2008, 2012 và 2014 tỉnh ta ở vị trí “đội sổ” bảng xếp hạng). Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan về: Vị trí địa lý xa xôi, kinh tế kém phát triển, mật độ dân cư thưa thớt… thì còn những vướng mắc mà doanh nghiệp, nhà đầu tư gặp phải như: Chi phí không chính thức cao; khó tiếp cận đất đai; trở ngại trong việc tiếp cận các kế hoạch và văn bản pháp lý cần thiết liên quan đến kinh doanh, đầu tư. Bên cạnh đó, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế, bất cập là những “rào cản” lớn mà doanh nghiệp ngoài Nhà nước nêu ra khi nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, UBND tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh ta. Kết quả, giai đoạn 2016 - 2019, chỉ số PCI tỉnh ta đã có chuyển biến rõ rệt về điểm số, thứ hạng; năm 2019 xếp hạng 44 toàn quốc. Tuy nhiên năm 2020, chỉ số PCI tỉnh ta tụt 2 bậc so với năm 2019: đạt 62,62 điểm, xếp thứ 46 cả nước, xếp thứ 8/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.

Về việc chỉ số PCI tụt hạng, ông Phạm Ðức Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Chỉ số PCI năm 2020 tụt hạng sau nhiều năm tăng liên tiếp đã được UBND tỉnh dự báo. Bởi chỉ số PCI tỉnh ta không thể liên tục tăng dần đều vì còn nhiều hạn chế trong thu hút đầu tư so với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, chúng ta phải cầu thị, khẩn trương tìm nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp thích hợp để nâng cao chỉ số PCI trong thời gian tới.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số PCI năm 2020 của tỉnh, các chỉ số thành phần bị giảm điểm là: Gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế an ninh, trật tự. Theo đánh giá nhanh từ UBND tỉnh: Chỉ số PCI của tỉnh suy giảm trong năm qua có nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nhất là trong giai đoạn phải giãn cách xã hội phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh, dẫn đến một số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, các doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh. Bên cạnh đó việc thực hiện những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 còn chậm và chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư tuy đã được tỉnh quyết liệt chỉ đạo xử lý nhưng còn một số nội dung vượt thẩm quyền của tỉnh phải báo cáo Trung ương nên tồn đọng; một số nội dung có tính chất phức tạp, bị ảnh hưởng do sự thay đổi các quy định của pháp luật nên kéo dài thời gian giải quyết...

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Nhìn lại năm 2020, tuy tụt hạng 2 bậc nhưng trong 10 chỉ số thành phần, tỉnh ta có 4 chỉ số có điểm số tăng so với năm 2019 là: Chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh. Ðây là những chỉ số quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp, những chỉ số này được cải thiện cho thấy môi trường kinh doanh của tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Do đó, tỉnh sẽ tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công khai, minh bạch nhất là các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành, lĩnh vực. Ðẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc tại các cơ quan hành chính Nhà nước, thực hiện chính quyền điện tử trong xử lý thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó là tăng cường nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ và đạo đức công vụ của đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, người dân.

Bài, ảnh: Mạnh Thắng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/186560/can-giai-phap-thich-hop-nang-cao-nang-luc-canh-tranh