Cần giải pháp toàn diện để giảm thiểu tình trạng sạt lở đất

Lâm Đồng đang phải đối mặt với một thực trạng đáng báo động: Sạt lở đất. Với địa hình đồi núi phức tạp và biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nguy cơ này không chỉ đe dọa đến tài sản mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

Hiện trường vụ sạt lở đất tại xã Đạ K'nàng, huyện Đam Rông.

Hiện trường vụ sạt lở đất tại xã Đạ K'nàng, huyện Đam Rông.

SẠT LỞ ĐẤT: NGUY CƠ THƯỜNG TRỰC

Trong những năm qua, khi mùa mưa đến, sạt lở đất thường xảy ra, nhất là các tuyến đường đèo đoạn qua vùng đồi núi có độ dốc lớn như trên Quốc lộ 20, 27, 27c, 28… Sạt lở cũng xảy ra ở các sông, suối trong tỉnh như sông Đạ B’sa (huyện Đạ Huoai), sông Đồng Nai (huyện Cát Tiên), sông Đa Nhim (huyện Đơn Dương), sông Đa Dâng (huyện Lâm Hà), suối Đạ Mí, sông Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh), sông Krông Nô (huyện Đam Rông). Ở các đô thị, hiện tượng sạt lở đất cũng xuất hiện tại thị trấn D'ran (huyện Đơn Dương), TP Đà Lạt; sạt lở đất do tai biến địa chất xảy ra nghiêm trọng ở thị trấn Di Linh và các xã Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Gia Hiệp (huyện Di Linh).

Theo ông Lê Quang Trung - Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng, địa hình đồi núi dốc, đất yếu và biến đổi khí hậu là những yếu tố chính gây ra sạt lở đất ở tỉnh. Những năm gần đây, các sự kiện sạt lở nghiêm trọng đã gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt tại các khu vực như Đà Lạt, Bảo Lộc và Đam Rông.

Năm 2023, thống kê trên địa bàn tỉnh có 17 điểm sạt lở và có một số điểm sạt trượt đất làm 5 người chết, một số người khác bị thương và thiệt hại nhiều tài sản, nhà của người dân. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 2 đợt mưa lớn kèm lốc xoáy, 1 trận sét đánh và 2 vụ sạt lở đất làm 3 người chết, sập 2 căn nhà, tốc mái 28 căn nhà; gãy đổ một số cây xanh; sạt lở đất đường tránh ngập hồ chứa nước Đạ Sị; sập 60 m mương tưới nước thuộc Thôn 6, xã Tiên Hoàng; sét đánh làm cháy hệ thống Đài Phát thanh xã Tiên Hoàng. Ước tổng thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Riêng trên địa bàn huyện Đam Rông đã xảy ra 2 vụ sạt lở đất ở cùng 1 vị trí tại thôn Trung Tâm, xã Đạ K’nàng vào các ngày 15/7 và 20/7/2024 làm 3 người chết, sập 2 căn nhà.

Qua rà soát, toàn tỉnh hiện có 424 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất, tập trung chủ yếu tại TP Bảo Lộc, TP Đà Lạt, các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng và Đam Rông. Nguyên nhân là do tổng lượng mưa năm trên khu vực tỉnh Lâm Đồng có chiều hướng gia tăng qua từng năm và có xu thế biến đổi khá phức tạp, địa hình chủ yếu là đồi núi, nền địa chất phức tạp, mái dốc chủ yếu là phong hóa từ đá bazan tính liên kết kém, bở, rời.

Các con số thống kê cho thấy tình hình sạt lở đất ở Lâm Đồng đang ở mức báo động. Hàng năm, tỉnh ghi nhận hàng chục vụ sạt lở, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Điều này không chỉ tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của địa phương mà còn làm ảnh hưởng đến du lịch, một ngành kinh tế mũi nhọn của Lâm Đồng.

CÁC CHUYÊN GIA ĐƯA RA GIẢI PHÁP

Để đối phó với tình trạng sạt lở đất, các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó, việc đầu tư vào hệ thống hạ tầng giao thông, xây dựng các công trình phòng, chống sạt lở, trồng rừng và bảo vệ môi trường được xem là những giải pháp cấp thiết. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về nguy cơ sạt lở đất cũng rất quan trọng. Người dân cần được trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình và gia đình trước các tình huống khẩn cấp.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tiễn quản lý rủi ro địa chất, ông Mikio Mori - Chuyên gia địa chất của Công ty Nippon Koei Tokyo (Nhật Bản) nhận định rằng, khu vực Lâm Đồng không có rủi ro động đất bất ngờ, nhưng có nguy cơ sạt lở lớn do cấu trúc đất và lượng mưa lớn. Để phòng tránh sạt lở, ông đề xuất quy hoạch tuyến giao thông để tránh các khu vực nguy hiểm và đầu tư hướng tuyến đường để ngăn chặn rủi ro thiên tai. Ông Mori cũng giới thiệu các biện pháp quản lý rủi ro giao thông như lập bản đồ rủi ro đường hiện có, thực hiện giải pháp cắt cơ hoặc dỡ tải phần mái dốc sườn núi có nguy cơ trượt, làm tường chắn, neo đá, bê tông phun, kết cấu khung…

Đặc biệt, ông Mori khuyến cáo nên sử dụng giải pháp trồng cỏ để phủ xanh thảm thực vật bởi việc trồng cỏ có thể giảm xói mòn bề mặt do tác động của nước và lượng mưa, tăng liên kết với các lớp đất nhờ hệ thống rễ dài phát triển, cải thiện lớp đất mặt của mái taluy đào, giảm thiểu biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, có thể làm các lưới thép loại che phủ cường độ cao hoặc tường bảo vệ chống đá lăn, đất rơi ở các khu vực đường giao thông có độ dốc cao; các giải pháp để bảo vệ đường phía sườn núi được ông đề xuất làm tường rọ đá, gia cố bằng neo đất; giải pháp thoát nước; kè chống xói mòn sông…

Về mức độ rủi ro sạt lở đất, tiến sĩ Ngô Doãn Dũng - Phó Giám đốc Viện Địa kỹ thuật và Phòng tránh thiên tai cho rằng, Lâm Đồng đang ở mức độ 3 (cảnh báo đỏ) về rủi ro sạt lở. Vì vậy mà việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý rủi ro cần kiểm soát không gian, thời gian và mức độ rủi ro để giảm thiểu thiệt hại. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu sạt lở và bản đồ quản lý rủi ro là vô cùng cần thiết và cần tổ chức thực hiện để đảm bảo về lâu dài.

Sạt lở đất là một vấn đề nghiêm trọng và phức tạp đối với Lâm Đồng. Để giải quyết vấn đề này, cần có một giải pháp toàn diện, bao gồm cả giải pháp nguồn lực, công nghệ, nhưng việc nâng cao nhận thức cộng đồng và xây dựng các chính sách phù hợp cũng vô cùng quan trọng. Song song đó, chính quyền các cấp cần có những chính sách phù hợp không chỉ để quản lý xây dựng, hạ tầng mà cần quan tâm đầu tư vào các dự án để đánh giá, xây dựng các giải pháp phòng, chống sạt lở để tiến đến giảm thiểu được tình trạng sạt lở đất ở Lâm Đồng.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/toa-soan-ban-doc/202408/can-giai-phap-toan-dien-de-giam-thieu-tinh-trang-sat-lo-dat-9c02d80/