Cần giải quyết dứt điểm tranh chấp đất bàu Đưng
Đất bàu Đưng ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp được quy hoạch giao cho doanh nghiệp (DN) khai thác khoáng sản, nhưng DN không triển khai ngay nên UBND tỉnh thu hồi khu đất giao UBND xã Tân Thành quản lý. Do đất bị bỏ hoang trong thời gian dài nên nhiều hộ dân xâm canh, lấn chiếm, sang nhượng đất trong vùng dự án, đến khi UBND tỉnh cho phép DN tiếp tục triển khai dự án thì xảy ra tranh chấp. Trước sự việc đã và đang xảy ra tại bàu Đưng, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp có thẩm quyền và ngành chức năng để giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh trở thành điểm nóng về đất đai.
“Tan nát” đất bàu Đưng
Về hiện trạng đất bàu Đưng, ông Nguyễn Văn Dần ở ấp Tân Lợi, xã Tân Thành cho biết: “Năm 2007, ngoài tôi còn có một số hộ khác khai phá, sử dụng đất để trồng hoa màu ngắn ngày. Dân ở đây trồng lúa dưới bàu. Đất ngập nước nên nhiều khu vực bỏ hoang. Lúc này, cây rừng cũng còn nhiều”. Được biết, giai đoạn 2007-2010, UBND tỉnh quy hoạch 200 ha tại xã Tân Thành, huyện Bù Đốp và xã Lộc An, huyện Lộc Ninh để thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường, tầm nhìn đến năm 2020 là 250 ha, định hướng đến năm 2030 là 510 ha và khu bàu Đưng được quy hoạch để khai thác khoáng sản. Mặc dù đất đã được quy hoạch nhưng trong giai đoạn 2008-2015, nhiều hộ dân vẫn “vô tư” xâm canh, lấn chiếm, sang nhượng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương rất khó quản lý vì khu đất này là đất ngập nước nằm giữa 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp.
Minh chứng, năm 2009, UBND tỉnh cho Công ty TNHH Thanh Tòng thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên diện tích 172,4 ha tại bàu Đưng. Mục đích sử dụng đất cho hoạt động khai thác khoáng sản than bùn, nhưng sau khi được cấp giấy chứng nhận, DN không triển khai dự án. Năm 2013, UBND tỉnh thu hồi khu đất giao UBND xã Tân Thành quản lý. Do đất bị bỏ hoang trong thời gian dài, nhiều hộ dân đã lấn chiếm, sang nhượng trong khu vực dự án. Mặt khác, chính quyền địa phương cũng khó quản lý, vì chưa xác định được mốc giới đâu là đất dự án, đâu là đất của người dân. Đến năm 2018, UBND tỉnh tiếp tục cho phép Công ty TNHH Thanh Tòng triển khai dự án thì xảy ra tranh chấp đất giữa DN và các hộ dân.
Ông Đào Văn Cảnh, công chức địa chính xã Tân Thành cho biết: “Thời điểm khu đất bàu Đưng được UBND tỉnh quy hoạch khai thác khoáng sản than bùn, tôi cũng có mặt trong đoàn công tác của tỉnh đi khảo sát, khoan thăm dò đánh giá trữ lượng. Khi đó, đất vẫn còn cây rừng, chưa có tác động của con người. Tuy nhiên, từ năm 2009-2013, DN được cho thuê đất nhưng không trông coi, không thực hiện dự án nên vào mùa khô người dân xuống đốt cây cỏ, xâm canh, lấn chiếm”.
Cần sự hỗ trợ trong triển khai dự án
Theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, khu đất bàu Đưng đã được quy hoạch giao cho Công ty TNHH Thanh Tòng thực hiện khai thác khoáng sản, các hộ dân xâm canh, lấn chiếm đất trong vùng dự án sẽ không được bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, để vận động người dân bàn giao mặt bằng, công ty thống nhất hỗ trợ bồi thường cây trồng theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Mức hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất do DN tự thỏa thuận với các hộ dân.
Từ năm 2018 đến nay, Công ty TNHH Thanh Tòng đã thỏa thuận hỗ trợ bồi thường cho 39 hộ dân có đất trong vùng dự án với mức 50 triệu đồng/ha. Đến nay, công ty đang quản lý sử dụng 107 ha, phần diện tích còn lại 65,4 ha vẫn chưa thỏa thuận được với các hộ dân. Hiện còn 13 hộ chưa đồng tình với đơn giá hỗ trợ và một số hộ không hợp tác kê khai. Trong đó, nổi cộm là trường hợp ông Châu Văn Phong ở ấp Tân Phong, xã Tân Thành quản lý 20 ha và đang tranh chấp đất với bà Phan Thị Tuyết Minh ở thôn 6, xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp. Ông Phong còn có hành vi cản trở DN khai thác khoáng sản trong vùng dự án. Thời gian qua, ông Phong và một số hộ dân không đồng tình, nhiều lần kiến nghị huyện Bù Đốp cho thuê đất trên diện tích xâm canh trong vùng dự án, nhưng đều bị từ chối do khu đất bàu Đưng đã được tỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản.
Hiện Công ty TNHH Thanh Tòng đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc phục vụ dự án khai khoáng, đồng thời đóng 80 tỷ đồng tiền thuê đất, nhưng lại không được khai thác, sử dụng toàn bộ diện tích đất, vì gặp phải sự cản trở của ông Châu Văn Phong và các hộ dân không đồng tình. Điều này gây thiệt hại về kinh tế cho DN, do phần lớn tiền đầu tư vay ngân hàng. Ông Nguyễn Đình Quang, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tòng kiến nghị: “DN đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, đóng tiền thuê đất và hoạt động từ tháng 1-2021. Hiện nay, DN không thể thỏa thuận với ông Châu Văn Phong và các hộ dân để thu hồi phần diện tích đất lấn chiếm trái phép. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh, huyện, xã thành lập hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng làm việc với các hộ dân, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho DN triển khai dự án”.
Tháng 5-2022, huyện Bù Đốp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, xã Tân Thành phối hợp với công ty cắm mốc, xác định ranh giới đất dự án. Trong quá trình làm việc, đoàn công tác gặp sự phản đối của ông Châu Văn Phong và các hộ dân không đồng tình nên việc cắm mốc chưa có hồi kết. Trước sự việc này, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân, nhiều hộ bày tỏ nguyện vọng tăng giá hỗ trợ lên đến vài trăm triệu đồng 1 ha. Do các bên chưa thống nhất về mức hỗ trợ nên kéo dài việc bàn giao mặt bằng.
Trước đây, khu đất quy hoạch thuộc UBND xã Tân Thành quản lý. Các hộ xâm canh, lấn chiếm trái phép nên tùy từng trường hợp, công ty sẽ thỏa thuận hỗ trợ. Cái khó là họ không phối hợp với địa phương kê khai diện tích để được hỗ trợ bồi thường. Mặt khác, tình trạng sang nhượng trái phép qua nhiều chủ trên cùng mảnh đất, chưa xác định được ranh giới từng thửa. Do vậy, huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục vận động các hộ dân hợp tác kiểm kê diện tích đất còn lại, đồng thời báo cáo UBND tỉnh về hướng giải quyết để bàn giao 65,4 ha cho DN trong thời gian sớm nhất.
Ông NGUYỄN ANH TÀI,
Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đốp
Tháng 3-2021, UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản than bùn cho Công ty TNHH Thanh Tòng. Theo giấy phép được cấp thì DN cần sớm được bàn giao mặt bằng để triển khai dự án. Nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Vì vậy, rất mong cấp có thẩm quyền và ngành chức năng sớm đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án, tránh xảy ra điểm nóng về đất đai.