Cần giảm dần ưu đãi đầu tư
Các đại biểu cho biết đã xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực như chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu, thậm chí đầu tư chui, thâm dụng tài nguyên, núp bóng thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam
Ngày 20-11, tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về 2 dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Dành phần lớn thời gian ngày làm việc cho 2 dự án luật quan trọng, các đại biểu (ĐB) thảo luận sôi nổi về quy định ngành nghề cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.
Bảo đảm quyền tự do kinh doanh
Góp ý về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), ĐB Lê Công Nhường (tỉnh Bình Định) cho rằng nội dung về ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục gồm 236 ngành, nghề nhưng nội dung chưa được quy định đầy đủ, chưa có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ. Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề phải nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc bảo đảm thực thi nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (DN).
Vị ĐB tỉnh Bình Định lấy dẫn chứng về ngành nghề chăm sóc người cao tuổi và khuyết tật, trẻ em. "Hiện nay, nhiều người tuy trình độ hạn chế nhưng vì nhân đạo nên hoạt động trong lĩnh vực này, nếu luật quy định điều kiện cao hơn và phức tạp hơn, họ sẽ không làm nữa và trút gánh nặng lại cho nhà nước. Đáng lẽ những ngành này phải được ưu đãi đầu tư" - ĐB Nhường băn khoăn.
ĐB Trần Văn Tiến (tỉnh Vĩnh Phúc) kiến nghị ban soạn thảo rà soát một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện cho phù hợp với thực tiễn. Ông Tiến ví dụ về kinh doanh dịch vụ khai thác sử dụng tài nguyên nước và cho rằng chỉ kinh doanh nước sạch mới thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, còn khai thác nước phục vụ tưới tiêu nông nghiệp thì không thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Đồng tình quan điểm này, ĐB Nguyễn Tạo (tỉnh Lâm Đồng) đề nghị quy định chi tiết, cụ thể hơn về tiêu chí xác định ngành, nghề kinh doanh có điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng. "Trong dự thảo luật đã quy định 236 ngành, nghề đầu tư có điều kiện. Tôi tha thiết đề nghị một lần nữa rà soát kỹ, phân loại từng ngành, nghề qua đó có thể lược bớt một số ngành, nghề để không ảnh hưởng nhiều. Xem xét có những điều kiện cụ thể, đơn giản hơn để phục vụ thiết thực đời sống kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công cuộc cải cách thủ tục hành chính" - ĐB tỉnh Lâm Đồng đề xuất.
Rà soát kỹ ưu đãi đầu tư
ĐB Dương Minh Tuấn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư cần thiết kế, lồng ghép những điều khoản nhằm thu hút nhà đầu tư có năng lực để thực hiện dự án có chất lượng cao, sử dụng hiệu quả các nguồn lực về đất đai, môi trường, tài nguyên khoáng sản, lao động và bảo đảm quốc phòng, an ninh. "Thời gian qua, trong quá trình thực hiện Luật Đầu tư đã xuất hiện một số hiện tượng tiêu cực như tình trạng chuyển giá, trốn thuế, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thậm chí là đầu tư chui, thâm dụng tài nguyên, núp bóng thông qua tổ chức, cá nhân Việt Nam" - ĐB Tuấn nêu thực trạng.
Cũng liên quan đến nội dung về chính sách ưu đãi đầu tư tại điều 16 của dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (tỉnh Bến Tre) đề nghị ban soạn thảo cần rà soát kỹ hơn những lĩnh vực ưu tiên phát triển thật sự tác động đến kinh tế - xã hội, hạn chế những ngành, nghề thâm dụng lao động, khuyến khích và thu hút công nghệ cao.
Đặc biệt, về quy định ưu đãi cho dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên, ĐB đề nghị cần cân nhắc lại, bởi với xu thế chuyển dịch lao động hiện nay và xu hướng già hóa dân số, không nên đưa ra ưu đãi mà không khả thi, có cũng như không. Đồng thời quy định này có thể bị DN lợi dụng bằng cách tuyển dụng đủ số lao động, nhưng sau khi làm thủ tục hưởng ưu đãi xong lại sa thải lao động hoặc không tiếp tục duy trì các chế độ cho người lao động như ban đầu.
Đánh giá Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới trong thu hút đầu tư, ĐB Nguyễn Hữu Quang (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng cần giảm dần các ưu đãi để việc tăng trưởng GDP có đóng góp tích cực vào việc tăng thu ngân sách nhà nước. Ông Quang dẫn khảo sát của các tổ chức quốc tế như World Bank hoặc IMF cho thấy trong 13 tiêu chí để nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào Việt Nam thì ưu đãi về thuế đứng thứ 12, đứng sau các tiêu chí như ổn định xã hội, ổn định thể chế, tính thống nhất hệ thống pháp luật, nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực… Do đó, ông Quang đề nghị trong dự thảo luật lần này hình thức ưu đãi về thuế nên giảm dần.
Không ép hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Số phận hộ kinh doanh (HKD) tiếp tục là vấn đề được các ĐB quan tâm khi thảo luận về dự án Luật DN (sửa đổi). Tương tự như phiên thảo luận tổ trước đó, việc có nên đưa HKD vào Luật Doanh nghiệp hay không đã nhận được các ý kiến trái chiều. ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng tình việc đưa HKD vào dự thảo luật bởi các thuận lợi như tạo địa vị pháp lý, quản trị được nâng cao, thanh kiểm tra và thủ tục hành chính không nặng thêm, thu ngân sách tăng thêm...
Trong khi đó, ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết qua khảo sát ý kiến một số HKD thì gần như tất cả đều không muốn chuyển đổi hình thức kinh doanh dù họ biết chuyển đổi lên sẽ nhận nhiều ưu đãi, hỗ trợ hơn. "Nhiều hộ cho biết nếu chuyển đổi thì nghĩa vụ pháp lý sẽ nhiều hơn, các giấy tờ, thủ tục kê khai phức tạp hơn, tăng chi phí gián tiếp" - ĐB Thơ nói.
Làm rõ thêm về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết cơ quan soạn thảo hiểu rõ các băn khoăn của ĐB khi đưa HKD vào dự thảo. "HKD về bản chất là loại hình kinh doanh nên tất cả vấn đề liên quan đến loại hình này đều phải được định danh, hỗ trợ, bảo vệ và có nghĩa vụ theo đúng quy định pháp luật" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và khẳng định các quy định về HKD trong dự thảo Luật DN (sửa đổi) được soạn thảo theo nguyên tắc, mục tiêu là tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của HKD là một hình thức kinh doanh, không ép buộc các HDK phải trở thành DN.
Lo dịch vụ đòi nợ thuê biến tướng
Quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) tiếp tục nhận được 2 luồng ý kiến tại phiên thảo luận. Đối với các ĐB đồng ý cấm dịch vụ này, lý do được đưa ra là bởi những biến tướng, hệ lụy xấu cho xã hội, ảnh hưởng an ninh trật tự. Ở chiều ngược lại, nhiều ĐB cho rằng không nên cấm vì đây là nhu cầu xã hội. Việc để dịch vụ này biến tướng là do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, do đó cần nâng cao vai trò của cơ quan công an, chính quyền địa phương.
Đề xuất cấm kinh doanh nghề thám tử tư
ĐB Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đề xuất ban soạn thảo dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) đưa dịch vụ thám tử tư vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đây là ngành, nghề kinh doanh ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ này trong quá trình hoạt động có những hành vi lạm dụng các biện pháp điều tra mà pháp luật chỉ cho phép một số các cơ quan có thẩm quyền được áp dụng. Đặc biệt, vị đại biểu này còn chỉ ra nguy cơ sử dụng trái phép các thiết bị, phần mềm để định vị, ghi âm, ghi hình bí mật dẫn đến xâm phạm quyền nhân thân của công dân, nguy cơ lộ bí mật nhà nước.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/can-giam-dan-uu-dai-dau-tu-2019112022161361.htm