Cần giao trách nhiệm bảo vệ đối với những trẻ có nguy cơ cao bị bạo hành, xâm hại

'Cần phải có những thống kê, lên danh sách và giao nhiệm vụ cho các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ đối với những trẻ em có nguy cơ cao bị bạo hành, xâm hại', chuyên gia pháp lý - Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

Can thiệp kịp thời để giảm thiểu những rủi ro cho trẻ em

Vụ việc bé gái Đỗ N.A. (3 tuổi, ở Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội) bị người tình của mẹ đóng 9 đinh vào đầu đã khiến dư luận vô cùng bức xúc, phẫn nộ. Trước đó, vụ việc bé gái 8 tuổi ở TP HCM bị “dì ghẻ” bạo hành, đánh đập dẫn đến tử vong cũng khiến dư luận dậy sóng…

Tiến sĩ – luật sư Đặng Văn Cường.

Sau nhiều vụ trẻ em bị bạo hành, đặc biệt là đối với các cháu ở hoàn cảnh cha mẹ chia tay mỗi người một đường, là nạn nhân của các cuộc hôn nhân tan vỡ... Nhìn nhận xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, Tiến sĩ – luật sư Đặng Văn Cường cho biết: “Qua nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, những trẻ em sống trong gia đình nghèo khó, trẻ em ở vùng sâu vùng xa và trẻ em sống trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ ly hôn, sống chung với cha dượng, mẹ kế hoặc trẻ em bị khuyết tật là những trẻ em dễ bị xâm hại. Đây là những trẻ em thuộc nhóm yếu thế, có nguy cơ bị bạo hành, bị xâm hại cao, cần phải được xã hội quan tâm, giúp đỡ và bảo vệ”.

Theo vị Tiến sĩ luật thì trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị bạo hành, bị xâm hại rất cao kể cả trong trường hợp đang sống cùng cha mẹ. Đối với những trẻ em mà cha mẹ ly hôn thì nguy cơ bị bạo hành, xâm hại cao hơn rất nhiều lần. Trong những vụ án ly hôn, để những đứa trẻ ít bị thiệt thòi nhất thì cần phải có sự quan tâm giám sát của người không trực tiếp nuôi dưỡng cháu bé, đồng thời cần phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan đoàn thể, của chính quyền địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em theo quy định của luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản pháp luật có liên quan.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường nhấn mạnh: Cần phải có những thống kê, lên danh sách và giao nhiệm vụ cho các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ đối với những trẻ em có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại cao.

Với những vụ việc có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại thì cần sớm vào cuộc hỗ trợ, can thiệp kịp thời để giảm thiểu những rủi ro cho trẻ em. Đồng thời, cần thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa để các em được sống trong môi trường an toàn.

Vụ việc cháu A. 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây rúng động dư luận, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ vai trò của những người liên quan và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Sự thoái hóa về nhân cách, đạo đức của hung thủ

Trong khi đó, Tiến sĩ – Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) cho rằng, đặc điểm chung của tâm lý tội phạm trong các vụ việc như trên là sự thoái hóa về nhân cách, đạo đức, có sự ích kỷ cao độ, có thói quen dùng bạo lực để giải tỏa bức xúc tâm lý trong giao tiếp xã hội… Bên cạnh đó, người liên quan trực tiếp sau hung thủ là bố hoặc mẹ của nạn nhân nhỏ tuổi. Họ thờ ơ trước an nguy, sức khỏe, hạnh phúc của con mình, che giấu cho hung thủ.

Tiến sĩ – Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an).

Theo chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, rất có thể, sau các cuộc ly hôn, một số người tồn tại suy nghĩ “đứa con là một gánh nặng, việc phải nuôi con là nghĩa vụ, chứ không có tình mẫu tử, phụ tử”.

Tiến sĩ Đào Trung Hiếu chỉ ra rằng, trong các vụ bạo hành trẻ em gần đây, có sự tương đồng về thân phận nạn nhân. Trước khi trở thành bị hại trong các vụ án hình sự, các cháu nhỏ đều ở hoàn cảnh “lời ru chia đôi”, là nạn nhân trực tiếp và đầu tiên của các cuộc hôn nhân tan vỡ.

Khi mẹ hoặc cha đẻ đưa các cháu đến ở cùng với những người “khác máu tanh lòng”, cuộc sống các cháu sẽ trở thành địa ngục nếu kẻ “gá nghĩa” đó ích kỷ, máu lạnh, nhẫn tâm. Trong sâu thẳm tâm lý nội tâm, họ coi “núm ruột” của bồ là “cái gai trong mắt”.

Vì thơ ngây, không có khả năng tự vệ nên các cháu nhỏ âm thầm chịu trận, lãnh đủ sự tàn bạo, vô nhân tính của người “gá nghĩa” với cha hoặc mẹ mình.

Cần lên án căn bệnh vô cảm!

Bên cạnh đó, trong các vụ việc trên, theo Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, còn có điểm đáng lưu ý nữa, đó là thái độ vô cảm của những người thân thích, những người liên quan và hàng xóm.

Hình ảnh chụp sọ của cháu A. 3 tuổi.

Tiến sĩ Đào Trung Hiếu đặt vấn đề: “Các vụ việc trên đều dưới hình thức bạo hành gia đình. Trước khi cơ quan chức năng phát hiện và xử lý đối tượng thì trẻ đã có một khoảng thời gian hứng chịu bạo lực, đòn roi, với những chấn thương để lại trên thân thể. Nhưng tại sao không ai biết, cho đến khi những sinh mệnh thuần khiết ấy lìa bỏ cuộc đời? Có thực sự khó để không thể biết trẻ bị bạo hành hay không? Tôi nghĩ là không! Tiếng quát tháo, đòn roi, đổ vỡ, tiếng khóc thét vọng ra từ nhà bên, sao không thể nghe thấy?

Rồi người cha, người mẹ dù không ở cùng con, nhưng khi đến thăm, chẳng nhẽ không nhìn thấy những vết bầm tím đòn roi? Rồi thầy, cô có khó gì khi nhận ra những biểu hiện tâm lý và thể chất khác lạ, bất thường của một học sinh? Chỉ cần có một lòng thật tâm yêu trẻ, một ý thức trách nhiệm công dân… sẽ không khó để nhận ra trẻ cần được cứu trước khi quá muộn! Cần lên án căn bệnh vô cảm!”.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/can-giao-trach-nhiem-bao-ve-doi-voi-nhung-tre-co-nguy-co-cao-bi-bao-hanh-xam-hai-post178551.html