Cần Giờ - Chiến khu xưa thành cực tăng trưởng kinh tế đặc biệt của TP.HCM

Khu đô thị lấn biển, cảng trung chuyển quốc tế, metro nối trung tâm TP.HCM… loạt siêu dự án đang đánh thức thế mạnh 'rừng vàng, biển bạc' của Cần Giờ.

“Cần Giờ mới”

Anh bộ đội đặc công Lê Mạnh Hùng của Trung đoàn Thủ đô, tranh thủ những ngày phép hiếm hoi về Rừng Sác đúng ngày truyền thống của Đặc công T10. Anh Hùng cho biết đây lần đầu anh có cơ hội đến Rừng Sác - nơi được mệnh danh là "căn cứ nổi".

Nhìn lại hình ảnh sống, chiến đấu của cha anh và tận thấy rừng ngập mặn hiểm trở này mới hiểu được sự kiên cường, dũng cảm, mưu trí của họ, anh nói mình khâm phục, biết ơn sự hy sinh của thế hệ đi trước, để giữ màu xanh của rừng ngày nay.

Đôi vợ chồng cựu chiến binh Trần Thị Mộng Thu, hội viên Hội Cựu chiến binh quận Gò Vấp, cũng tranh thủ về Rừng Sác đúng ngày truyền thống 15/4. Bà Thu cho biết ngày giải phóng 30/4/1975, bà 15 tuổi và là học sinh ở Quận 1, chưa hiểu hết diễn biến thời cuộc. Học xong phổ thông, bà cũng như nhiều thanh niên TP.HCM khi đó, tham gia phong trào Đoàn và vào quân ngũ, mới hiểu được những hy sinh của cha anh để bảo vệ thành phố.

Năm nào bà cùng đồng đội cũng có những chuyến đi về các cơ sở cách mạng, chiến khu xưa để nhắc nhớ, biết ơn và Cần Giờ là nơi bà đến nhiều nhất.

Đường Rừng Sác xuyên giữa cánh rừng ngập mặn xanh ngắt, bất tận. (Ảnh: Lương Ý)

Đường Rừng Sác xuyên giữa cánh rừng ngập mặn xanh ngắt, bất tận. (Ảnh: Lương Ý)

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết trước 30/4/1975, Cần Giờ là một quận của thành phố Sài Gòn, có căn cứ quân sự tiền tiêu của địch, canh phòng cho con đường thủy huyết mạch từ Biển Đông vào Sài Gòn.

Sau 30/4/1975, huyện Duyên Hải được thành lập từ quận Cần Giờ và quận Quảng Xuyên (Đồng Nai). Năm 1978, Duyên Hải sáp nhập vào TP.HCM với tên gọi Cần Giờ đến nay.

Với xuất phát điểm là căn cứ quân sự tiền tiêu, giao thông chủ yếu là đường thủy, 50 năm từ sau ngày thống nhất đất nước, Cần Giờ nay đã có đường nhựa thênh thang nối liền về trung tâm TP.HCM và các xã.

Vùng dân cư nghèo với 30.000 dân giờ trở thành địa bàn trọng điểm, chiến lược trong kế hoạch hướng về phía Đông của TP.HCM.

Cần Giờ còn là “lá phổi xanh” của thành phố, với bờ biển dài, hệ sinh thái rừng ngập mặn đã được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, phù hợp làm nơi du khách trốn nắng nóng, ồn ào, khói bụi.

Đường vào Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác dưới bóng rừng đước. (Ảnh: Hà Linh)

Đường vào Di tích lịch sử Chiến khu Rừng Sác dưới bóng rừng đước. (Ảnh: Hà Linh)

Đường lớn, cầu rộng, đón sóng phát triển mới

Theo Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, huyện Cần Giờ là một trong các khu vực động lực phát triển của TP.HCM.

Lãnh đạo huyện Cần Giờ cho biết địa phương đang được đầu tư nhiều chương trình, dự án, là động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật là Cảng trung chuyển quốc tế huyện Cần Giờ, Cầu Cần Giờ, Khu đô thị du lịch lấn biển, Chương trình hành động Vì một Cần Giờ xanh…

Ngày 19/4 này, dự án Khu đô thị du lịch lấn biển lên đến 2.870 ha tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ USD, với quy mô dân số gần 230.000 người sẽ khởi công. Theo quy hoạch, dự án bao gồm các khu chức năng như đô thị thông minh, khu du lịch nghỉ dưỡng, hội nghị, khách sạn, nhà ở, dịch vụ công nghệ cao…

Khi đô thị du lịch này hoàn thiện sau năm 2030, Cần Giờ sẽ có khả năng đón khoảng 8-9 triệu lượt khách du lịch mỗi năm, được kỳ vọng trở thành khu đô thị lấn biển hiện đại nhất Việt Nam.

Phối cảnh Khu đô thị lấn biển Cần Giờ với điểm nhấn là cụm công trình trung tâm thương mại và tòa tháp 108 tầng.

Phối cảnh Khu đô thị lấn biển Cần Giờ với điểm nhấn là cụm công trình trung tâm thương mại và tòa tháp 108 tầng.

Đầu năm 2025, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và giao TP.HCM chủ trì, phối hợp các bộ, ngành đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện. Theo quy hoạch, dự án sử dụng khoảng 571 ha đất, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD (tương đương 128.000 tỷ đồng) và phân kỳ làm 7 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 khai thác vào năm 2027 và hoàn thành đầu tư vào năm 2045.

Siêu cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đánh giá có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Philippines, khu vực phía Nam Trung Quốc… khi nằm tại cửa sông Cái Mép - Thị Vải, gần các tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông.

Khi đi vào hoạt động, dự án dự kiến tạo ra việc làm cho 6.000 - 8.000 lao động trực tiếp, cùng hàng chục nghìn lao động trong các lĩnh vực dịch vụ hậu cần, logistics và các ngành nghề liên quan.

Cũng đầu năm 2025, tuyến metro dài 48,7 km nối trung tâm TP.HCM và Cần Giờ đã được Tập đoàn Vingroup đề xuất đầu tư.

Theo đề xuất của Vingroup, tuyến đường sắt đô thị này nối từ trung tâm TP.HCM đi Cần Giờ đi qua Quận 7, Nhà Bè đến Cần Giờ với tổng mức đầu tư khoảng 102.370 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2026 và vận hành khoảng năm 2028.

Còn cầu Cần Giờ vượt sông Soài Rạp nối Nhà Bè với Cần Giờ có chiều dài hơn 7 km cũng được chuẩn bị đầu tư với tổng kinh phí hơn 11.000 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành trước năm 2030.

Khi hoàn thành, cây cầu sẽ thay thế phà Bình Khánh, phá vỡ thế độc đạo hiện nay của huyện miền biển duy nhất TP.HCM. Cầu Cần Giờ còn có nhiệm vụ quan trọng kết nối giao thông với hai siêu dự án tỷ USD đang và sắp triển khai, là Cảng trung chuyển quốc tế và Khu đô thị lấn biển.

“Nếu hiện thực hóa được các kế hoạch trên sẽ mở ra tiềm năng, cơ hội phát triển rất lớn, không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Cần Giờ hay TP.HCM, mà còn hình thành hệ thống chuỗi liên kết vùng trong khu vực Đông Nam Bộ và cả nước”, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Văn Hồng nói.

Cầu nối giữa lá phổi xanh Cần Giờ với trung tâm TP.HCM hiện nay là những chuyến phà qua lại liên tục trên sông Soài Rạp. (Ảnh: Hà Linh)

Cầu nối giữa lá phổi xanh Cần Giờ với trung tâm TP.HCM hiện nay là những chuyến phà qua lại liên tục trên sông Soài Rạp. (Ảnh: Hà Linh)

Lãnh đạo huyện trăn trở địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng thiếu kết nối với trung tâm TP.HCM. Khi cầu Cần Giờ, metro được đầu tư thì các siêu dự án đô thị du lịch lấn biển, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, khu phi thuế quan… sẽ đánh thức các tiềm năng, thế mạnh “rừng vàng, biển bạc” của Cần Giờ, phát huy vị trí cửa ngõ phía Đông rất quan trọng của TP.HCM.

Đây là hạt nhân quan trọng, mang tính quyết định tương lai phát triển kinh tế biển của Thành phố nói chung.

Nhưng để triển khai đồng loạt nhiều siêu dự án, ông Hồng nói thách thức lớn nhất là việc hài hòa với môi trường và thiên nhiên.

“Cần Giờ 50 năm đã kiên trì khôi phục lại diện tích rừng ngập mặn bị tàn phá và hệ sinh thái môi trường bị biến đổi nghiêm trọng do bom đạn, chất độc hóa học trong chiến tranh. Do đó, khi phát triển phải xác định không đánh đổi bằng mọi giá, mà so sánh giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường, để phát triển theo hướng bền vững”, ông Hồng nói thêm.

Dự án đô thị du lịch lấn biển trên bãi biển 30/4 sát ngày khởi công.

Dự án đô thị du lịch lấn biển trên bãi biển 30/4 sát ngày khởi công.

Ông cũng cho rằng khi các dự án được đưa vào sử dụng, Cần Giờ trở thành một “Cần Giờ mới”, đời sống người dân sẽ nâng lên. Huyện sẽ giải quyết được bài toán việc làm tại chỗ và là địa chỉ đón nhận người dân trong nước và quốc tế đến sinh sống và làm việc.

Để chuẩn bị cho đường lớn, cầu rộng, đón làn sóng phát triển mới, địa phương đã chủ động nhiều giải pháp từ quy hoạch, hạ tầng giao thông, cải thiện kết nối vùng và thu hút nguồn lực đầu tư, nhằm đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm.

“Chúng tôi đang sẵn sàng bước vào một giai đoạn phát triển mới, trở thành đô thị sinh thái thông minh và hiện đại của TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ, nhưng vẫn giữ bản sắc thiên nhiên độc đáo, góp phần nâng cao vị thế của TP.HCM", Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ khẳng định.

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/can-gio-chien-khu-xua-thanh-cuc-tang-truong-kinh-te-dac-biet-cua-tp-hcm-ar938042.html