Cần Giờ phát huy ưu thế giao thông thủy

Cần Giờ là huyện duy nhất của TP Hồ Chí Minh giáp biển, cách trung tâm thành phố 50km theo đường bộ.

Huyện có hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ được tổ chức UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” và hệ thống sông rạch chằng chịt là điều kiện phát triển vận tải đường thủy. Trong thời gian qua, huyện đã chú trọng khai thác tiềm năng về giao thông đường thủy, tập trung đầu tư và kêu gọi xã hội hóa đầu tư các cầu tàu, bến đỗ, phương tiện phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch.

Bến phà Bình Khánh nối huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HỒNG GIANG

Bến phà Bình Khánh nối huyện Cần Giờ với huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HỒNG GIANG

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 19 bến thủy nội địa được Sở Giao thông vận tải thành phố cấp phép, trong đó 16 bến thủy nội địa vận chuyển hành khách, 3 bến khách ngang sông. Huyện cũng hình thành 8 tuyến vận tải cố định như: Cần Giờ-Vũng Tàu, Cần Thạnh-Thạnh An, Thạnh An-Vũng Tàu, Cần Giờ-Cần Giuộc, An Thới Đông-Hiệp Phước... tạo môi trường thuận lợi cho việc vận chuyển khách bằng phương tiện thủy. Ngoài ra, UBND huyện đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch và các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, đề xuất thống nhất 12 vị trí neo đậu phương tiện phục vụ phát triển du lịch trên các tuyến sông thuộc địa bàn huyện.

Để vận tải thủy phát triển, huyện Cần Giờ xác định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành để sớm đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách, hàng hóa theo tuyến cố định bằng phà biển từ huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) đi Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) và tuyến vận tải hành khách du lịch từ xã Tam Thôn Hiệp đi ấp đảo Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An. Huyện tiếp tục đầu tư, cũng như phát huy cách làm xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng bến bãi, phương tiện phục vụ phát triển du lịch đường sông, khai thác các vùng nước neo đậu phương tiện thủy phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Huyện Cần Giờ tiếp tục phối hợp với Sở Du lịch, các sở, ngành liên quan hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch đường thủy tại các vị trí neo đậu phương tiện, tiếp tục đa dạng và nâng cao chất lượng những sản phẩm du lịch đường thủy hiện có, nghiên cứu khai thác và hình thành các chương trình du lịch đường thủy phù hợp với lợi thế sông nước của huyện. Cùng với đó, tăng cường kết nối với các địa phương lân cận nhằm mở rộng các tour du lịch đường thủy liên vùng, thu hút khách về Cần Giờ.

Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, sớm đưa huyện trở thành thành phố biển, du lịch xanh. Theo đó, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông của huyện là rất lớn. Để sớm khơi thông hạ tầng giao thông, tạo liên kết vùng, cùng với giao thông đường bộ, Cần Giờ tiếp tục phát huy ưu thế, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy và mong muốn sớm kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống bến, cảng biển đặt tại huyện.

VÕ HỮU THẮNG (Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND huyện Cần Giờ)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-gio-phat-huy-uu-the-giao-thong-thuy-717346