Cần Giuộc: Ổn định cuộc sống nhờ vốn tín dụng chính sách
Những năm qua, nhiều hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Cần Giuộc từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng. Để có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của người dân thì nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH)huyện đã kịp thời hỗ trợ, tạo động lực giúp người dân phát triển kinh tế gia đình.
Trước đây, chị Nguyễn Thị Minh Hà (ấp Long Bào, xã Phước Lại) thuộc diện hộ cận nghèo. Với nguồn vốn vay 50 triệu đồng từ PGD NHCSXH huyện, chị cải tạo ao nuôi tôm. Chị Hà chia sẻ, nhờ tuân thủ kỹ thuật nuôi cùng thời tiết thuận lợi nên gia đình chị nuôi tôm có lợi nhuận. Kinh tế ngày càng ổn định, hiện chị thoát nghèo bền vững.
Nhận thấy nấm bào ngư là loại thực phẩm sạch, nhu cầu thị trường rất lớn nên chị Võ Thị Hồng Oanh (ấp Phước Hưng 1, xã Phước Lâm) đầu tư vốn khởi nghiệp với mô hình trồng nấm bào ngư sạch. Chị Oanh cho hay, lúc đầu gặp không ít khó khăn, sau đó, chị được vay nguồn vốn giải quyết việc làm từ PGD NHCSXH huyện. Vừa làm, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người đi trước, trại nấm ngày càng phát triển tốt, giúp gia đình chị có nguồn thu nhập ổn định. Hiện tại, chị trồng 14.000 phôi nấm, trung bình mỗi tháng, chị thu lợi nhuận trên 12 triệu đồng.
Hiện nay, phương thức cho vay chủ yếu tại PGD NHCSXH huyện là trực tiếp có ủy thác một số nội dung thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam huyện, Hội Nông dân Việt Nam huyện, Hội Cựu chiến binh huyện và Huyện Đoàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Qua đó, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi.
Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Cần Giuộc - Phan Ngọc Mẫn cho biết: Thời gian qua, vốn tín dụng chính sách góp phần hạn chế tình trạng "tín dụng đen" ở khu vực nông thôn; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới; đồng thời, thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Điều đáng nói là đa số hộ dân được hỗ trợ vốn từ PGD NHCSXH huyện đều sử dụng đúng mục đích. Nguồn vốn vay không những tạo đà cho người dân vượt khó
mà còn giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
"Để phát huy hiệu quả các nguồn vốn, thời gian tới, PGD NHCSXH huyện phối hợp chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng các chương trình tín dụng ưu đãi đến người dân. Song song đó là tiếp tục đổi mới, nâng cao toàn diện công tác quản lý và giải ngân nguồn vốn" - ông Phan Ngọc Mẫn cho biết thêm./.