Cần gỡ điểm 'nóng' nhất để xăng dầu ổn định

Nhiều nhà bán lẻ xăng dầu tiếp tục phản ánh đang gặp khó khăn vì chiết khấu từ đơn vị cung cấp thấp hoặc không có chiết khấu, nguồn cung từ nhà cung cấp nhỏ giọt.

Liên bộ Công Thương - Tài chính mới đây thực hiện một số giải pháp, trong đó có điều chỉnh tăng một số chi phí định mức với kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với thực tế hiện nay. Tuy nhiên, phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu cho biết tình hình vẫn rất khó khăn.

Chiết khấu vẫn thấp, mỗi lít xăng bán ra lỗ 1.000 đồng

Ngày 13-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Hải, cho biết: Chiết khấu vẫn rất thấp, chỉ 50-100 đồng với xăng, với dầu thì 0 đồng.

“Với mức chiết khấu này, tính cả chi phí vận chuyển về cửa hàng và các chi phí khác, chúng tôi đang lỗ 900-1.000 đồng/lít. Nguồn cung cũng khan hiếm” - ông Hạnh nói.

Trên các diễn đàn xăng dầu, nhiều DN bán lẻ cũng than vãn về tình trạng chiết khấu thấp, chiết khấu bằng 0. Một số DN còn chia sẻ đã làm đơn xin tạm dừng bán hàng gửi đến Sở Công Thương địa phương nhưng chưa được chấp thuận.

“Mức chiết khấu mới vẫn rất thấp. Liên bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất tính lại chi phí trong giá xăng dầu nhưng vẫn chưa tính đúng, tính đủ, chưa giải quyết được vấn đề” - một DN đánh giá.

Liên bộ Tài chính - Công Thươngcầntính toán xác định một khung hoa hồng cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Ảnh: HOÀNG GIANG

Liên bộ Tài chính - Công Thươngcầntính toán xác định một khung hoa hồng cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Ảnh: HOÀNG GIANG

Để tháo gỡ tình hình và đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các DN đầu mối xăng dầu. Tuy nhiên, một công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu tham dự cuộc họp cho biết Bộ Công Thương đã đề nghị các DN đầu mối tăng cường nhập khẩu xăng dầu, nâng mức dự trữ để đảm bảo nguồn cung trong nước. Thế nhưng tình hình cũng rất khó.

“Chúng tôi là DN tư nhân, đã lỗ triền miên mấy tháng qua. Nhập tàu nào về lỗ tàu đó. Giờ lại bảo chúng tôi nhập về dự trữ tiếp, chúng tôi không còn đủ tài chính để nhập hàng nữa” - đại diện một đầu mối nói.

Tiếp tục nêu góp ý để tháo gỡ bất ổn thị trường xăng dầu, đại diện một DN đầu mối kiến nghị khi giá trần vượt mức 7% thì phải điều chỉnh giá ngay, không để tình trạng DN lỗ triền miên đến vài chục tỉ đồng, gây nguy cơ vỡ cả hệ thống.

Sẽ tiếp tục điều chỉnh

Trước những kiến nghị của DN và trong bối cảnh giá thế giới đang có xu hướng tăng cao, nguồn nhập khẩu đang có dấu hiệu khan hiếm, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho hay Bộ Công Thương đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ. Qua đó giúp DN xăng dầu giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên thị trường.

Thủ tướng: Phản ứng chính sách về xăng dầu phải nhanh hơn

Trả lời ý kiến cử tri Cần Thơ liên quan vấn đề xăng dầu tại buổi tiếp xúc ngày 13-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà thật kỹ cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Thứ hai là công tác điều hành xăng dầu phải linh hoạt, phản ứng chính sách phải nhanh hơn; trách nhiệm của các bộ, các ngành trong việc phối hợp với nhau chặt chẽ, hiệu quả hơn. Thứ ba, có thể phải thu hẹp chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, chứ để 10 ngày như hiện nay chưa phù hợp với tình hình thực tế…

“Tóm lại, vừa qua phản ứng chính sách của một số cơ quan có liên quan từ trung ương đến địa phương chưa kịp thời, chưa hiệu quả, gây những ách tắc đáng tiếc. Cái này phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm, rút kinh nghiệm để chúng ta làm tốt hơn” - Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, do giá xăng dầu biến động, lúc nhập giá cao chưa tiêu thụ hết thì giá lại thấp, dẫn đến việc thua lỗ của DN. Vì vậy ông đã giao cho các bộ, ngành rà soát chi phí, hỗ trợ của ngân hàng cho phù hợp, hiệu quả để tránh lạm phát, đảm bảo được tiêu dùng, cung ứng không bị đứt gãy.

“Một số giải pháp đã có hiệu quả, hy vọng thời gian tới không xảy ra việc tương tự” - Thủ tướng nói.

NHẪN NAM

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho hay đã làm việc với hai nhà máy lọc dầu trong nước, đề nghị có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho DN đã đặt mua theo các hợp đồng đã ký; sử dụng nguồn hàng dự trữ để hỗ trợ cung ứng cho các đầu mối không có hợp đồng dài hạn với nhà máy nhưng có nhu cầu mua ngay để bán hàng tại các khu vực bị thiếu cục bộ, nhằm kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ.

Cùng với các giải pháp này, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan rà soát và sửa đổi, bổ sung quy định trong điều hành, kinh doanh xăng dầu như công thức và hướng điều hành giá (các yếu tố cấu thành); thời điểm điều hành, thời gian điều chỉnh...

Ông Nguyễn Văn Truyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thừa nhận đối với chi phí định mức đưa xăng dầu từ nước ngoài về, định kỳ hằng năm, Bộ Tài chính thông báo hai lần vào ngày 10-1 và ngày 10-7. Từ khi Nghị định 95/2021 ra đời, Bộ Tài chính có thông báo, điều chỉnh đúng thực tế. Tuy nhiên, từ ngày 10-7 đến nay, thị trường xăng dầu diễn biến quá bất thường, dẫn đến chi phí thay đổi nên không đáp ứng được thực tế, ảnh hưởng đến DN.

Với chi phí kinh doanh, một năm điều chỉnh một lần. Bộ Tài chính đã có thông báo điều chỉnh từ ngày 4-6 và áp dụng luôn từ ngày 1-7. Qua việc rà soát thực tế của các công ty kinh doanh lớn chiếm đến 70% thị phần, có hệ thống phân phối rộng cho thấy chi phí tính đủ, đảm bảo.

Lực lượng chức năng kiểm tra, đo bồn tại một số cây xăng trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: TL

Lực lượng chức năng kiểm tra, đo bồn tại một số cây xăng trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: TL

“Tuy nhiên, trên thực tế có phát sinh thêm như tiền thuê đất, nhân công… Vì vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục cùng Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn cho DN” - ông Truyền nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho hay: Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 11-10, Bộ Công Thương đã đề xuất và Bộ Tài chính đồng ý tăng chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy về cảng và các chi phí khác trong nước. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục rà soát các chi phí thực tế, hợp lý khác của DN để điều chỉnh, như chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho DN nhập khẩu xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế TRẦN HỮU HIỆP:

Giải quyết ngay vấn đề hoa hồng

Thời gian qua tình hình kinh doanh, tiêu thụ xăng dầu, mà khâu then chốt nhất là từ các cửa hàng bán lẻ đến người tiêu dùng bất ổn. Điều này bộc lộ rõ nhất khi những ngày qua tại TP.HCM và một số tỉnh, thành phía Nam, nhiều cửa hàng bán lẻ treo bảng hết xăng, đóng cửa khiến người dân gặp khó.

Nguồn cung xăng dầu khó khăn đúng là do các yếu tố khách quan từ địa chính trị thế giới. Tuy nhiên, điểm nóng nhất là hoa hồng giữa DN đầu mối với các cửa hàng bán lẻ có thời điểm 0 đồng thì họ không thể nào trụ nổi vì càng bán càng lỗ.

Vấn đề này xuất phát từ việc Nhà nước quản lý xăng dầu thông qua DN đầu mối, sử dụng công cụ thuế, quỹ bình ổn và quy định giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, công thức tính giá cơ sở xăng dầu chỉ mới dừng lại đảm bảo có lãi cho DN đầu mối, còn từ DN đầu mối tới DN bán lẻ lại thực hiện theo cơ chế thỏa thuận về hoa hồng chiết khấu. Với cơ chế này, các DN đầu mối sử dụng lợi thế về nguồn cung để ép nhà bán lẻ.

Chẳng hạn, hiện nay do giá xăng dầu thế giới biến động, các DN đầu mối phải bỏ ra số tiền lớn để nhập hàng. Khi tàu về đến Việt Nam, giá xăng dầu thế giới đảo chiều, giá trong nước được điều chỉnh theo. Để hạn chế thua lỗ, DN đầu mối siết hoa hồng chiết khấu cho đại lý bán lẻ ở mức thấp. DN bán lẻ tự thỏa thuận trong thế bất lợi, không công bằng, càng bán càng lỗ nên xảy ra tình trạng nhiều cửa hàng phải tạm đóng cửa.

Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải gỡ ngay chỗ nóng này bên cạnh nguồn cung. Cụ thể là liên bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, tính toán xác định một khung hoa hồng cho DN bán lẻ trên cơ sở đảm bảo lợi ích các bên.

TÚ UYÊN

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-go-diem-nong-nhat-de-xang-dau-on-dinh-post703106.html