Cần hành động để những điểm đến đông vui trở lại
Năm 2023, du lịch Việt Nam ghi nhận tăng trưởng nhưng vẫn hồi phục chậm so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Vì vậy, cần có các giải pháp quyết liệt giải bài toán ngắn hạn, dài hạn để phát triển du lịch nhanh, bền vững.
Sáng 15/11, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững. Đây là hội nghị chuyên đề về phát triển du lịch thứ hai được tổ chức trong năm nhằm tìm lời giải cho các bài toán ngắn hạn, dài hạn để phát triển du lịch.
Phục hồi tương đối chậm
Số liệu từ Bộ VH-TT&DL cho hay, 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, nhưng chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch); khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt, đang có dấu hiệu chững lại.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, ông Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, tuy lượng khách du lịch tăng nhanh nhưng đến nay tốc độ đã suy giảm, đặc biệt là nguồn thu từ khách nội địa giảm khá nhiều. Về lượng khách quốc tế, dù đã vượt kế hoạch, nhưng do Việt Nam mục tiêu đặt ra rất thấp (8 triệu lượt).
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch HĐQT Vietjet, đánh giá, năm 2023 là giai đoạn đầy biến động, thách thức. Hàng không chưa có lợi nhuận; du lịch, khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng.
Những điểm đến quốc tế như Phú Quốc, Nha Trang, con đường di sản miền Trung Huế - Đà Nẵng - Hội An, vịnh Hạ Long,... đang có tới vài chục nghìn phòng khách sạn "đóng băng"; dịch vụ giải trí, nhà hàng đều ngưng trệ. “Chúng ta cần hành động khẩn trương để những điểm đến đông vui trở lại", bà Thảo nói.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ ra rằng, đó là bởi một số thị trường trọng điểm chưa lấy lại đà tăng trưởng như trước dịch; công tác kết nối, khai thác các thị trường mới còn chậm; việc kết nối, khôi phục tần suất các đường bay quốc tế còn hạn chế,…
Ngoài ra, ông Vũ Thế Bình thẳng thắn, việc liên kết, kết nối giữa các vùng miền, các ngành, các doanh nghiệp đều không được tốt. Còn theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, với du lịch Việt Nam, lâu nay chúng ta vẫn bị nhắc nhở nhiều về việc “bán hàng” chưa tốt.
Đẩy mạnh quảng bá, mở rộng diện miễn thị thực
Theo bà Ngô Hương, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Vinpearl, đã đến lúc chúng ta cần kiến tạo những "điểm đến" vừa mang bản sắc Việt, vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất miễn thị thực ngắn hạn cho khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng, quy mô lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… Mở rộng miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu du lịch lớn như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu...
Xem xét, thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ cho khách du lịch quốc tế. Thí điểm cấp thị thực dài hạn (3 năm, 5 năm) để thu hút các phân khúc thị trường khách du lịch cao cấp, khách nghỉ hưu.
Bộ VH-TT&DL cần quan tâm, xây dựng một đề án tổng thể về xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế, trong đó Bộ là đơn vị chủ trì, triển khai trên toàn quốc, như thế sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn - ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, kiến nghị.
Lên môi trường số, du lịch sẽ bớt phụ thuộc mùa vụ
Tham dự Hội nghị và chia sẻ về chuyển đổi số trong du lịch, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Một ngành muốn có sự phát triển đột phá thường phải có không gian mới, cách tiếp cận mới, cách quản trị mới, công nghệ mới để thực hiện đổi mới đó.
Không gian số, cách tiếp cận số, chuyển đổi số và quản trị số, công nghệ số chính là cơ hội cho ngành du lịch có sự phát triển đột phá. Ngành du lịch nên chuyển đổi số mạnh mẽ và kiên quyết, không nên coi chuyển đổi số là công cụ tự động hóa hoạt động du lịch mà là thay đổi cách làm du lịch, tạo nên nhiều giá trị mới cho khách du lịch.
Lên môi trường số, không gian của ngành du lịch sẽ rộng lớn hơn rất nhiều, ngành du lịch sẽ dễ dàng kết nối các lĩnh vực khác, các ngành khác, sản phẩm khác, các tỉnh, vùng khác để khái niệm du lịch được mở rộng. Ví dụ, có thể chuyển đổi từ tư duy điểm đến, quảng bá các địa điểm nổi tiếng thành tư duy sản phẩm, không chỉ xem gì mà còn ăn gì, mua gì, chơi gì… Nếu vậy thì du lịch cũng sẽ bớt phụ thuộc mùa vụ.
Ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp vốn gặp khó khăn trong việc tạo ra hệ sinh thái du lịch, một chuỗi giá trị kết nối khách hàng với phục vụ. Khách hàng du lịch là một, nhưng nhiều đối tượng phục vụ và chỉ cần một đối tượng trong chuỗi giá trị kém thì cảm nhận của khách về du lịch Việt Nam sẽ kém, thậm chí cảm nhận về toàn bộ Việt Nam không tốt.
Chuyển đổi số, công nghệ số chính là lời giải trong việc tạo ra một hệ sinh thái du lịch và sự kết nối chuỗi giá trị. Nhà nước nhìn thấy chuỗi giá trị này thì có thể kết nối hài hòa giá trị và tạo ra giá trị cuối cùng để khách hàng có thể cảm nhận chung về du lịch Việt Nam, nếu không thì các giá trị sẽ rời rạc, cạnh tranh nhau. Khó nhất là Nhà nước nhìn thấy toàn bộ bức tranh, có dữ liệu để phân tích, đánh giá, cảnh báo sớm, điều chỉnh sớm và chuyển đổi số sẽ giúp cho ngành du lịch có một bức tranh tổng hợp, có thông tin tổng hợp tức thời.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xây dựng các nền tảng số, giải quyết các vấn đề lớn kéo dài của ngành du lịch và đặc biệt góp phần đổi mới mạnh mẽ ngành du lịch.
Hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận những nỗ lực của ngành du lịch trong việc phát triển nguồn lực, sản phẩm và đóng góp với nền kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, yếu kém.
Đó là liên kết phát triển du lịch giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là về quản lý, quảng bá, xúc tiến, phát triển sản phẩm, nhân lực chưa thực chất, hiệu quả. Vẫn còn tình trạng "mạnh ai nấy làm". Các sản phẩm du lịch chưa thực sự có trọng tâm, trọng điểm, không có nhiều sản phẩm đặc sắc đậm nét Việt Nam...
Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm phát triển du lịch trong thời gian tới. Theo đó, phải xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc Việt Nam; phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn và theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện liên kết toàn diện, hiệu quả, phân công trách nhiệm rõ ràng, phát huy vai trò định hướng của cơ quan du lịch quốc gia, vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các trung tâm du lịch lớn. Hình thành các liên kết vùng động lực tăng trưởng du lịch.
Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy nhanh chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam...