Cần hành động khẩn cấp vì trẻ em Nam Sudan
Ngày 18/11, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động khẩn cấp để chấm dứt tình trạng lạm dụng và bóc lột trẻ em ở Nam Sudan.
Trong báo cáo với tiêu đề "Trẻ em ở ngã rẽ", UNICEF nêu rõ trẻ em ở Nam Sudan nằm trong nhóm đối tượng thiệt thòi nhất, dễ bị tổn thương nhất trên thế giới và chưa được hưởng các quyền của mình. Cụ thể, trẻ em ở quốc gia Đông Phi này là nạn nhân của các hình thức lạm dụng và bóc lột về thể chất và tinh thần.
Nam Sudan hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tảo hôn cao nhất thế giới, ước tính có 45% trẻ em gái kết hôn trước tuổi 18. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em Nam Sudan cũng cao nhất thế giới khi cứ 10 trẻ thì có một em chết khi chưa tròn 5 tuổi, chủ yếu là do các bệnh có thể phòng ngừa được và thiếu sự chăm sóc y tế.
Để thúc đẩy thực hiện các quyền của trẻ em tại Nam Sudan, các tác giả báo cáo kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực phối hợp, tìm giải pháp hỗ trợ chính quyền sở tại trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em như tăng kinh phí hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia của thanh niên và thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới lồng ghép trong các chương trình hỗ trợ.
Đại diện UNICEF tại Nam Sudan, ông Mohamed Ag Ayoya, nhấn mạnh báo cáo "Trẻ em ở ngã rẽ" đã gửi đi một thông điệp rõ ràng, đó là nếu tất cả (các chính phủ, các tổ chức nhân đạo, các nhà hảo tâm...) sát cánh với nhau thì họ có thể tìm ra cách thức thay đổi tương lai của trẻ em Nam Sudan.
Báo cáo được công bố đúng dịp thế giới kỷ niệm 30 năm Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) phê chuẩn Công ước LHQ về quyền trẻ em - một bộ luật quốc tế cho trẻ em. Đến nay, công ước đã được 196 quốc gia phê chuẩn và trở thành một văn kiện về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử. Nam Sudan đã phê chuẩn công ước này vào ngày 23/1/2015.
Công ước LHQ về quyền trẻ em chứa đựng những ý tưởng sâu sắc, đó là trẻ em không chỉ là một con người bé nhỏ thuộc về cha mẹ hoặc thuộc về người lớn, các em là con người, là một cá nhân có những quyền của riêng mình. Công ước quy định, tuổi thơ là thời kỳ đặc biệt, khác với giai đoạn trưởng thành của con người và giai đoạn này kéo dài đến 18 tuổi.
Trong thời kỳ đặc biệt này, trẻ em cần được bảo vệ, được chăm sóc để lớn lên, được học tập, vui chơi để phát triển hết tiềm năng của mình. Công ước yêu cầu phải đảm bảo cho tất cả trẻ em đều được hưởng các dịch vụ xã hội, được bảo vệ, được lớn lên trong môi trường an toàn, vệ sinh, được hỗ trợ, được chăm sóc và được lắng nghe, cũng như được tham gia vào các hoạt động xã hội.