Cần hành động mạnh mẽ để cứu Trái Đất
Hơn 1 tỷ người ở các vùng ven biển đối mặt với nguy cơ ngập lụt vào giữa thế kỷ, gần 50% dân số thế giới trong 'vùng nguy hiểm' vì biến đổi khí hậu và 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng 'rất cao' nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là những con số biết nói trong báo cáo của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được công bố ngày 28/2.
Xuyên suốt nội dung báo cáo là một bức tranh tổng thể về những gì loài người và môi trường thiên nhiên trên Trái Đất đã, đang và sẽ trải qua nếu tình trạng ấm lên toàn cầu tiếp diễn. Báo cáo phản ánh một tương lai khó tránh khỏi do hậu quả của những hành động trong quá khứ, nhưng cũng nhấn mạnh tương lai có thể sáng sủa hơn nhờ vào chính hành động của con người từ ngay lúc này.
Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) được tổng hợp từ hàng nghìn trang tài liệu nghiên cứu khoa học đã được gần 200 quốc gia nhất trí sau 2 tuần thảo luận. Báo cáo chỉ ra những tác động cụ thể của tình trạng ấm lên toàn cầu đối với sự tuyệt chủng các loài, sự sụp đổ của hệ sinh thái, các bệnh liên quan đến muỗi, hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt, thiếu nước và giảm năng suất mùa màng. Nội dung báo cáo đã phản ánh rõ nét thông qua các con số cụ thể nhằm cảnh báo rằng tình trạng biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới loài người trở nên ốm yếu hơn, nghèo đói hơn, ảm đạm hơn, thậm chí sẽ còn nguy hiểm hơn trong nhiều năm tới.
Theo báo cáo, nếu tình trạng ấm lên toàn cầu không được kiểm soát ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp thì Trái Đất, vốn liên tục hứng chịu các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán trong những thập kỷ qua sẽ suy thoái theo hàng trăm cách khác nhau, trong đó có những cách không thể đảo ngược. Báo cáo có đoạn nêu rõ tình trạng chậm trễ trong cắt giảm khí thải carbon và hỗ trợ để ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ làm lỡ cơ hội quý giá để đảm bảo một Trái Đất có thể sinh sống được, một hành tinh bền vững cho tất cả trong tương lai. Cụ thể, khí hậu sẽ khắc nghiệt hơn gấp 4 lần vào năm 2100 kể cả khi nhiệt độ bề mặt Trái Đất chỉ tăng thêm 1,5 độ C. Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng lên 2 độ C, số trận bão, lũ, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng gấp 5 lần. Hiện nay, ít nhất 3,3 tỷ người đang sống trong vùng nguy hiểm do tác động của biến đổi khí hậu và có nguy cơ tử vong vì thời tiết cực đoan cao hơn 15 lần. Ngày càng nhiều người tử vong trong các đợt sóng nhiệt, dịch bệnh, thời tiết cực đoan, ô nhiễn không khí và nạn đói do tình trạng ấm lên toàn cầu.
Bên cạnh đó, IPCC cảnh báo các thành phố và khu tái định cư ven biển sẽ đối mặt với thách thức lớn để bảo vệ tính mạng con người và tài sản trước các mối đe dọa về triều cường và các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng. Tác động của các đợt nắng nóng gây chết người, hạn hán, bão lớn càng trở nên nghiêm trọng do tình trạng bất bình đẳng, cũng như việc sử dụng đất và đại dương không bền vững. Biến đổi khí hậu đã và đang góp phần gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo và thổi bùng làn sóng di cư ở mọi khu vực trên thế giới do nơi ở hiện nay không còn có thể sinh sống. Biến đổi khí hậu gây ra những tác động đe dọa tính mạng hàng triệu người và dần dần là hàng tỷ người, có thể phá hủy khối tài sản lên tới nhiều nghìn tỷ USD. Báo cáo cũng lần đầu nhấn mạnh tới những tác động về sức khỏe tâm thần do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra, từ việc người dân phải rời bỏ quê hương hoặc chịu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, tâm trạng lo lắng, đặc biệt là ở người trẻ về tương lai.
Báo cáo của IPCC cũng chỉ ra rằng khoảng 14% số loài sinh vật trên cạn phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng “rất cao” nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C. Con số này có thể tăng lên 18% và 29% nếu nhiệt độ tăng lần lượt là 2 độ C và 3 độ C. Nếu nhiệt độ ấm lên khoảng 0,9 độ C, 35% diện tích đất trên Trái Đất sẽ bị các đám cháy rừng tàn phá.
Hiện nay, Trái Đất đã ấm hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiều mô hình dự báo cho thấy nhiệt độ sẽ tăng thêm hơn 1,5 độ C khi lượng khí thải vẫn tăng. Báo cáo của IPCC cũng chỉ ra rằng nếu mức nhiệt tăng vượt xa ngưỡng 1,5 độ C thì loài người và môi trường thiên nhiên sẽ chịu thêm nhiều nguy cơ, có những tác động không thể đảo ngược, kể cả khi tình trạng ấm lên toàn cầu dịu đi.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định báo cáo là tập bản đồ về những tác động mà con người đang phải hứng chịu, với những dữ liệu thực tế cho thấy cách mà con người và Trái Đất bị biến đổi khí hậu khuất phục. Đồng tác giả báo cáo, ông Maarten van Aalst - nhà khoa học khí hậu tại Liên đoàn chữ thập đỏ quốc tế - cho biết kể từ khi IPCC công bố báo cáo đầu tiên vào năm 2014, đến nay, mọi nguy cơ được cảnh báo đều xảy ra nhanh hơn dự tính. Trong khi đó, nhà khoa học khí hậu Katharine Hayhoe, viện nghiên cứu The Nature Conservancy, cho rằng đây chính là một lời cảnh báo tới thế giới rằng "ngôi nhà của họ đang bốc cháy".
Theo chuyên gia Helen Adams thuộc Đại học King’s College London và là đồng tác giả báo cáo, dù mọi thứ đang diễn biến tệ đi, nhưng tương lai hoàn toàn phụ thuộc vào con người, không phải khí hậu. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng đã phản ánh những nỗ lực lãnh đạo cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chưa đạt được kết quả như mong muốn. Nếu các nước và các chính phủ không đánh giá đúng mức những nguy cơ để có những phản ứng phù hợp với tính cấp bách của tình trạng khẩn cấp khí hậu thì chắc chắn hậu quả sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn theo cấp số nhân. Qua đó, các nước cần tăng cường hành động để ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu. Ông cũng hối thúc các chính phủ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo để bù đắp cho sự chậm trễ trong tiến trình phi carbon nền kinh tế, hướng tới tương lại năng lượng thân thiện với môi trường.
Báo cáo của IPCC cũng chỉ ra nhiều giải pháp cải thiện hệ thống thông tin cấp khu vực và địa phương, cung cấp các dữ liệu ổn định, đáng tin cậy cho các nhà hoạch định chính sách để chủ động hơn trong phòng ngừa và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đã bảo vệ người dân trước các thiên tai nhờ hệ thống cảnh báo sớm và công tác chuẩn bị. IPCC kêu gọi các nước tăng cường đầu tư cho hoạt động phòng ngừa thảm họa và giảm thiểu nguy cơ thảm họa ở các nước dễ bị tổn thương. Các chính phủ cần ưu tiên vốn cho các hoạt động phòng ngừa thảm họa. Một yếu tố quan trọng khác là cần có kế hoạch phát triển dựa trên nguyên tắc đảm bảo khả năng chống chọi tốt với khí hậu, có hệ thống quản trị toàn diện lồng ghép hỗ trợ tài chính và hành động ở các cấp, các ngành, lĩnh vực và trong mọi khoảng thời gian có thể. Các nước giàu cần làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Dù mọi quốc gia đều sẽ chịu tác động của biến đổi khí hậu với những mức độ khác nhau, nhưng các nước nghèo, dễ chịu tổn thương và các nước “tiền tuyến” sẽ chịu tác động mạnh nhất, cần được hỗ trợ tài chính nhiều hơn để ứng phó và khắc phục hậu quả. Mức hỗ trợ nên được tăng từ hàng chục triệu USD hiện nay lên mức hàng trăm triệu USD.
Báo cáo của IPCC đã giúp thế giới hiểu về mức độ nghiêm trọng của những hậu quả từ biến đổi khí hậu, chỉ ra những tác động tất yếu của biến đổi khí hậu đối với loài người và toàn bộ sinh vật trên Trái Đất. Dựa trên những đánh giá thực tế nhiều năm, báo cáo cho thấy Trái Đất không tránh khỏi những tác động đó nhưng không phải đã hoàn toàn hết cơ hội tránh điều khủng khiếp nhất. Như đánh giá của ông Mohamed Adow - lãnh đạo cơ quan nghiên cứu Power Shift Africa, cuộc khủng hoảng khí hậu là không thể tránh khỏi và con người phải thích ứng để vượt qua những thách thức. Theo Bộ trưởng Khí hậu Đức Robert Habeck, điều cần làm lúc này là có cái nhìn thực tế, hành động và hy vọng, tránh lo sợ. Dù tình hình chắc chắn sẽ tồi tệ hơn, nhưng nếu nỗ lực bằng mọi cách, thế giới sẽ tạo ra sự thay đổi, hành động của con người sẽ tạo ra sự khác biệt.