Cần hành lang pháp lý minh bạch trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế
Để giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế thời gian gần đây tại nhiều bệnh viện gây ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và quyền lợi của người dân, các chuyên gia cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, giúp công tác đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế dễ thực hiện trong thời gian tới.
Nguyên nhân gây thiếu thuốc, trang thiết bị y tế
Chia sẻ từ thực tiễn quản lý bệnh viện, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nguyên nhân dẫn đến thiếu thuốc, trang thiết bị y tế là sau khi dịch bệnh kiểm soát được, lượng người bệnh đi khám chữa bệnh tăng lên đột biến. Đơn cử như tháng 3/2022, số lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai tăng gấp 5 lần so với tháng 1/2022, số lượng ngoại trú là 6.000 - 8.000 người/ngày, trong khi trước đó quý I bình quân chỉ khoảng 1.000 người/ngày.
Sau dịch bệnh, có một thực trạng hết sức phổ biến là nhiều thuốc, vật tư tiêu hao trúng thầu rồi nhưng nhà thầu không cung ứng được. Đây là nguyên nhân rất cơ bản, đứt gãy chuỗi cung ứng, ngay cả ở nước sản xuất, họ cũng thiếu những mặt hàng này. Nhiều mặt hàng thuốc sản xuất được trong nước nhưng không nhập khẩu được nguyên liệu, hoạt chất sản xuất.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, một số văn bản không mang tính cập nhật. Ví như, tại Điều 44, 45 Nghị định 98/2021/NĐ-CP quy định các trang thiết bị y tế phải được kê khai giá trước khi lưu hành và mua bán, song Bộ Y tế chỉ hậu kiểm, chủ sở hữu và nhà phân phối thiết bị y tế được toàn quyền kê khai giá. Tức là chưa có cơ quan đơn vị, chức năng thẩm tra lại giá kê khai thiết bị y tế thời điểm công bố có chính xác hay không, chưa có bên nào chịu trách nhiệm kiểm soát kê khai giá.
Hay tại Thông tư 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế về nội dung đấu thầu trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế công lập, trong đó chia nhóm, phân nhóm để mua sắm đấu thầu, nhiều thiết bị vật tư tiêu hao của Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ xếp ngang cùng với nhóm của các nước phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu. Bệnh viện muốn mua vật tư tốt cho người bệnh rất khó, vì cấu hình kỹ thuật giống hệt nhau, đem vào đấu thầu, cái nào rẻ, cái đó trúng. "Với cách phân nhóm của Thông tư 14, chúng tôi sẽ mua được vật tư rẻ tiền, nhiều thứ chất lượng rất không như ý" - PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.
Một điều nữa là, quy định phải dựa vào các báo giá gần đây nhất trong 12 tháng trúng thầu. Thực tế, 12 tháng qua, thậm chí hơn 2 năm qua, trang thiết bị y tế chủ yếu phục vụ chống dịch, hợp đồng trúng thầu trong 12 tháng qua là vô cùng khó khăn khiến các bệnh viện không thể tìm được hợp đồng trúng thầu.
“Một cái khó nữa là thực tế, hãng A sản xuất ra máy thì thường sản xuất hóa chất đi kèm nhưng trong đấu thầu mà viết về kỹ thuật hóa chất A đáp ứng máy A thì rơi vào bẫy chỉ định thầu nên chủ đầu tư làm các bài thầu hết sức lúng túng. Ngoài ra, nhiều thiết bị y tế chính hãng hay thuốc chính hãng chỉ có một hãng sản xuất, việc tổ chức đấu thầu đôi khi rất khó” - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
Giải pháp gỡ vướng
Để giải quyết được vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, TS. Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng trước tiên, đề nghị Chính phủ sớm xem xét các vướng mắc đã được Bộ Y tế đề cập trong dự thảo nghị quyết trình Chính phủ. Đây là những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Cùng với đó, một số văn bản sắp hết hạn như Nghị quyết 12 của Quốc hội và một số nội dung liên quan đến giá thuốc trong Luật Dược, một số quy định của Luật Đấu thầu, cần phải xem xét những vướng mắc cơ bản vì thuốc và trang thiết bị y tế là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và rất đặc trưng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, rất cần phải có những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.
Thiếu cán bộ am hiểu về lĩnh vực thuốc, đấu thầu
TS. Nguyễn Huy Quang khẳng định, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đặc biệt là vật tư tiêu hao, hóa chất là trầm trọng, trải dài từ bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đến tuyến tỉnh, huyện…, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh. Điều này cũng ảnh hưởng đến tính công bằng cũng như vấn đề an sinh xã hội.
Trong các nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, có nguyên nhân từ năng lực tham gia thực hiện công tác đấu thầu từ trung ương đến cơ sở khám chữa bệnh còn hạn chế. Thiếu những cán bộ am hiểu về lĩnh vực thuốc, đấu thầu; nhiều doanh nghiệp không tham gia thầu do giá thầu thấp, không đảm bảo doanh thu dẫn đến ảnh hưởng nguồn cung thuốc, trang thiết bị y tế.
Theo ông Quang, về mặt thể chế, Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đổi và sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, đăng ký thuốc, giá thuốc, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế ở các mức độ khác nhau; rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư hiện còn vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.
Đồng thời, ngành Y tế cần nâng cao năng lực và tính chịu trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến công tác đấu thầu, trong đó có Trung tâm Mua sắm đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các sở y tế, các đơn vị khám chữa bệnh, tùy theo từng mức độ.
Còn theo PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, sự phức tạp trong đấu thầu thuốc cũng như trang thiết bị y tế khác với ngành khác vì nó rất đa dạng. Trong việc này, Bộ Y tế cần xuống làm việc ngay với các bệnh viện, đừng đợi các bệnh viện báo cáo lên. Trong việc làm luật, cần những cán bộ biết dự báo; phân cấp triệt để, nhưng phân cấp không có nghĩa là khoán trắng mà phải quản lý, ở đây quản lý phải dựa trên văn bản pháp luật.