Cần hệ thống quản lý bản quyền toàn diện
Môi trường số và thương mại điện tử phát triển mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng khiến vi phạm bản quyền gia tăng và ngày càng nhức nhối, với nhiều hình thức: bán sách báo lậu, chia sẻ phim, nhạc trái phép, livestream vi phạm bản quyền…
Sáng 6.12, tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức Hội nghị - Hội thảo Tuyên truyền, phổ biến các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, doanh nghiệp khai thác, sử dụng.
Phát biểu khai mạc, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh cho biết: thương mại điện tử đang bùng nổ trên toàn cầu, mở ra cơ hội lớn cho việc kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế mới. Việc mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ trên các nền tảng trực tuyến đã tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức giao thương và tương tác kinh tế.
Tuy nhiên, sự phát triển này cũng kéo theo không ít thách thức, đặc biệt là đối với quyền sở hữu trí tuệ, trong đó bản quyền là một trong những lĩnh vực được quan tâm rất nhiều.
Trong môi trường thương mại điện tử, việc bảo vệ bản quyền trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Các tác phẩm nghệ thuật, phần mềm, bài viết, hình ảnh, video và các sản phẩm trí tuệ khác dễ dàng bị sao chép, phân phối mà không có sự kiểm soát đầy đủ. Những hành vi xâm phạm bản quyền, như việc tải lên, sao chép và phát tán trái phép các sản phẩm trí tuệ, đang gây thiệt hại lớn cho các chủ sở hữu bản quyền và làm suy yếu nền kinh tế sáng tạo.
Ngoài ra, một vấn đề không thể bỏ qua là các nền tảng thương mại điện tử, vốn đóng vai trò trung gian trong các giao dịch, cũng phải đối mặt với yêu cầu bảo vệ bản quyền. Các nền tảng này cần có trách nhiệm trong việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, với các chủ thể quyền để xử lý các vi phạm bản quyền, tạo ra môi trường trực tuyến minh bạch và công bằng.
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, thời gian qua, các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã có nhiều nỗ lực xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ bản quyền trong thương mại điện tử. Một trong những bước tiến quan trọng là áp dụng các điều khoản trong các hiệp định quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong thực thi và bảo vệ bản quyền trong thương mại điện tử, đặc biệt là khi đối diện với những vi phạm không giới hạn về địa lý và thời gian. Những hành vi xâm phạm bản quyền trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như việc xử lý các vi phạm trên không gian mạng, đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các nền tảng trực tuyến.
Bà Phạm Thị Kim Oanh cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cần có hệ thống quản lý bản quyền toàn diện, kết hợp giữa các chính sách pháp lý, công nghệ, và sự hợp tác quốc tế. Cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường các biện pháp giám sát và xử lý vi phạm, đồng thời các nền tảng thương mại điện tử cũng cần phải áp dụng các công cụ và công nghệ hiện đại để giám sát và ngăn chặn hành vi xâm phạm. Việc xây dựng các chính sách bảo vệ bản quyền rõ ràng và công khai trên các nền tảng thương mại điện tử cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của người dùng và các tác giả.
Tại Hội nghị - Hội thảo, các chuyên gia trình bày tổng quan pháp luật Việt Nam, các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, nội dung cơ bản của Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước biểu diễn và bản ghi âm (WPPT); tổng quan về sàn thương mại điện tử và hàng hóa bản quyền; khai thác, sử dụng nội dung số và áp dụng các biện pháp công nghệ trong bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên trên môi trường số...
Các chuyên gia cũng tập trung trao đổi về cơ chế phối hợp và giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong xử lý xâm phạm bản quyền trên môi trường số. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là các nền tảng thương mại điện tử. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền tác giả đến các đối tượng liên quan.
Bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp cần có trách nhiệm hơn trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, các chủ thể quyền cần chủ động tìm hiểu về pháp luật và các công cụ bảo vệ quyền, vận dụng hết những gì pháp luật đã trao quyền...