Cần hiểu thật đúng về thuốc lá thế hệ mới
Chuyên gia David Sweanor nhấn mạnh việc cấm các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng) - đã được khoa học chứng minh khả năng giảm thiểu đáng kể các chất độc hại - là đi ngược lại với những chuẩn mực chính sách phù hợp.
* Phóng viên: Tại Việt Nam, có ý kiến cho rằng chưa có bất kỳ bằng chứng nào khẳng định thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng ít gây hại hơn thuốc lá điếu đốt cháy. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình, cũng như những căn cứ khoa học về vấn đề này?
- Chuyên gia David Sweanor: Việc tuyên bố rằng không có căn cứ khẳng định sự khác biệt về nguy cơ giữa thuốc lá điếu đốt cháy và các sản phẩm thuốc lá không khói thế hệ mới là không nắm về sở cứ khoa học, hoặc có ý định né tránh sự thật. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã công nhận chính việc hít phải khói thuốc, chứ không phải nicotine, mới là nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn các bệnh lý và ca tử vong liên quan đến hút thuốc lá điếu đốt cháy. Và các sản phẩm thuốc lá loại bỏ quá trình đốt cháy đã được chứng minh giúp giảm thiểu hơn 95% nguy cơ so với thuốc lá điếu đốt cháy.
* Vào ngày 7/7/2020, FDA đã công bố thuốc lá làm nóng của một tập đoàn đa quốc gia là "giảm thiểu đáng kể mức độ phơi nhiễm lên cơ thể với các chất hóa học gây hại hoặc có tiềm năng gây hại". Theo ông, công nhận này có ý nghĩa như thế nào đối với sức khỏe cộng đồng?
- Giảm thiểu hoặc loại bỏ sự phơi nhiễm với các chất độc hại là một chiến lược quan trọng của các giải pháp y tế cộng đồng, áp dụng trong việc xử lý các nguồn cung cấp nước, thực phẩm, không khí. Những sản phẩm như thuốc lá làm nóng được phát triển với khả năng giảm thiểu mức độ phơi nhiễm của cơ thể người với các chất hóa học gây hại hoặc tiềm năng gây hại sẽ đặt kỳ vọng dần dần thay thế cho thuốc lá điếu đốt cháy. Và nỗ lực loại bỏ khói thuốc lá điếu đốt cháy nhằm mang đến bầu không khí trong lành cho cộng đồng, cũng đồng thời có thể cứu sống hàng triệu người.
* Một số cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam lo ngại rằng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới sẽ làm tăng tỉ lệ thanh - thiếu niên bắt đầu hút thuốc. Với kinh nghiệm giảm thiểu tác hại thuốc lá trên nhiều quốc gia, ông có nghĩ rằng mối lo ngại này là có cơ sở?
- Cơ sở dữ liệu đến nay cho thấy các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang góp phần thúc đẩy xu hướng giảm mạnh tỉ lệ hút thuốc lá điếu trong cộng đồng. Ví dụ, ở Nhật Bản, sự ra đời của thuốc lá làm nóng đã khiến doanh số kinh doanh thuốc lá điếu đốt cháy giảm hơn 1/3 chỉ trong vòng 4 năm. Đây là một tốc độ giảm chưa từng có tại một thị trường lớn mà tôi đã tham gia nghiên cứu và công bố.
Còn để ngăn chặn thanh thiếu niên tiếp xúc thuốc lá và nicotine nói chung thì cần áp dụng các biện pháp, chính sách phù hợp. Chẳng hạn như đưa ra các quy định và mức thuế tương thích với mức độ nguy cơ của từng sản phẩm thuốc lá khác nhau. Đồng thời, cần đẩy nhanh nỗ lực thay thế thuốc lá điếu đốt cháy bằng các các sản phẩm có nguy cơ thấp hơn.
Cần nhớ rằng, chúng ta không nên hy sinh sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người chỉ vì lo sợ chúng ta không có khả năng triển khai các biện pháp hữu hiệu trong nỗ lực kiểm soát những hậu quả không mong muốn có thể xảy đến của các biện pháp y tế cộng đồng phù hợp.
* Tại Việt Nam, các nhà quản lý vẫn còn đối diện với những khó khăn trong việc tìm ra một biện pháp phù hợp để kiểm soát thuốc lá thế hệ mới. Ông có lời khuyên nào cho chúng tôi?
- Việc bảo hộ lối mòn công nghệ cũ gây nguy hại cho tính mạng con người thông qua việc cấm các sản phẩm thế hệ mới giảm thiểu đáng kể các chất độc hại, là đi ngược lại với những chuẩn mực chính sách phù hợp. Việc ngăn cản mọi người tiếp cận thông tin về các nguy cơ tương đối, cũng như hạn chế khả năng hành động dựa trên những thông tin đó thông qua việc chuyển sang các sản phẩm có nguy cơ thấp hơn, không những là bảo hộ thuốc lá điếu đốt cháy mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Do đó, chính sách y tế cộng đồng khôn ngoan cần tập trung vào việc trao quyền cho mọi người, giúp họ đưa ra những quyết định về sức khỏe cá nhân một cách hợp lý hơn.
Ông David Sweanor công tác trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng toàn cầu liên quan đến thuốc lá trong hơn 30 năm qua. Ông là thành viên Hội đồng Quản trị Tổ chức HealthBridge Canada, kiêm Luật sư và Chủ tịch Ban Cố vấn khoa Luật Y tế, Chính sách và Đạo đức của Đại học Ottawa; đồng thời là giảng viên đặc biệt của Khoa Dịch tễ học và Y tế Công cộng, Đại học Nottingham.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/can-hieu-that-dung-ve-thuoc-la-the-he-moi-202011261707158.htm