Cần hỗ trợ, giúp đỡ người cao tuổi trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến
Theo các chuyên gia, hiện nay có một số hình thức lừa đảo trực tuyến tuy không mới nhưng các đối tượng lại chuyển hướng vào người cao tuổi và cả trẻ em, do khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo của người già, trẻ em còn hạn chế. Do đó, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là người thân trong gia đình nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người cao tuổi tăng khả năng 'tự vệ' trước lừa đảo trực tuyến đang nhức nhối.
Mới đây, các chuyên gia Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thống kê 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng khác nhau, mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản. Trong đó, người cao tuổi thường gặp khoảng gần 20 hình thức lừa đảo thường xuyên và có xu hướng trở thành "đích ngắm" trọng tâm của tội phạm mạng.
Một số hình thức lừa đảo người cao tuổi gồm: Lừa đảo "combo du lịch" giá rẻ; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp, bảo hiểm ngân hàng; giả danh công an, kiểm sát viên, cán bộ tòa án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin CCCD đi vay tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dẫn dụ đầu tư, nhận bưu phẩm; mạo danh về xác thực sinh trắc học; kích hoạt dịch vụ công trực tuyến; bình chọn ca sĩ; lừa đảo đầu tư vào các dự án giả mạo…
Gần đây nhất, vào đầu tháng 7/2024, Công an tỉnh Bình Phước đã tiếp nhận đơn trình báo về vụ việc bà L.H.T (trú tại phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành) bị tội phạm công nghệ cao dụ dỗ giới thiệu việc làm rồi lừa đảo mất hơn 2,3 tỷ đồng. Bà T. được các đối tượng liên hệ thông qua nền tảng mạng xã hội Telegram. Đối tượng kết bạn và gửi tin nhắn giới thiệu việc làm tại nhà, hứa hẹn kiếm tiền mà không mất bất kỳ một khoản phí nào. Nội dung công việc vô cùng đơn giản, yêu cầu bà T. nghe các bài nhạc được chỉ định, đăng nhập và bỏ phiếu bình chọn cho ca sĩ rồi sau đó chụp màn hình và gửi lại. Mỗi lượt bình chọn sẽ nhận được 35.000 đồng.
Sau khi đồng ý tham gia, bà T. được các đối tượng gửi đường dẫn truy cập vào ứng dụng Zing Mp3 giả mạo. Làm theo lời hướng dẫn của đối tượng, bà T. nhận được ngay 100.000 đồng cho những lần bình chọn đầu tiên. Sau đó, bà T. được đối tượng thông báo tham gia vào "Nhóm bỏ phiếu Zingmp3" nhằm thực hiện hợp đồng cam kết để được hưởng lợi nhuận từ 40-50%. Sau 19 lần tham gia bình chọn, bà T. đã đặt cọc 2,3 tỷ đồng vào tài khoản do các đối tượng cung cấp. Khi bà T. có nhu cầu rút tiền, các đối tượng liên tục đưa ra lý do nhằm trì hoãn thủ tục rút tiền của bà T. Đến lúc này, bà T. mới nhận ra mình bị dính bẫy lừa…
Tương tự, Công an TP Hà Nội cũng đã tiếp nhận đơn trình báo của bà T.T.N về việc bị mất 1,4 tỷ đồng vì đầu tư vào dự án giả mạo. Theo lời kể của nạn nhân, bà quen biết một đối tượng trên Facebook. Người này thường xuyên trò chuyện tình cảm và tạo lòng tin với bà. Sau đó đối tượng dẫn dụ bà N cùng đầu tư vào dự án có tên "Vinpearl" (giả mạo dự án của Tập đoàn Vingroup) và mở tài khoản theo đường link https://vinpearl1.vingroupsvn.com. Tin tưởng, bà N đã làm theo hướng dẫn của đối tượng và chuyển tiền đến các tài khoản do đối tượng cung cấp. Tổng số tiền bà N đã chuyển là gần 1,4 tỷ đồng. Khi đầu tư có lãi và bà N muốn rút tiền ra thì đối tượng yêu cầu phải nạp thêm 10% số tiền hiện có trong tài khoản…
Trước đó, rất nhiều trường hợp người cao tuổi cũng đã bị các đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ công an, tòa án thông báo thuộc diện nghi vấn trong các đường dây buôn người ra nước ngoài, buôn bán ma túy. Do sợ hãi, bị thao túng tâm lý, nhiều trường hợp đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng…
Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Bộ TT&TT cho rằng, lừa đảo trực tuyến ngày càng diễn biến phức tạp trên không gian mạng. Trong đó, người cao tuổi là nhóm đối tượng yếu thế mà kỹ năng, khả năng nhận diện lừa đảo trực tuyến còn hạn chế nên dễ trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo. Người cao tuổi có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với Internet nhưng lại không được trang bị đủ các kỹ năng "tự vệ" nên có nguy cơ chịu nhiều rủi ro.
Xác định rõ việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế như người già và trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Bộ TT&TT đã phát động chiến dịch "Tháng hành động tuyên truyền và nhận diện phòng chống lừa đảo trực tuyến" có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương và 108 cơ quan báo chí, truyền thông, mạng xã hội. Chiến dịch đã lan tỏa rộng khắp trong xã hội với hơn 2,1 tỷ lượt xem từ 20,85 triệu người dùng.
Bắt đầu từ năm 2023, Cục An toàn thông tin đã phối hợp cùng Google thực hiện chiến dịch tuyên truyền, phổ biến và phát hành Cẩm nang "An toàn trực tuyến". Cẩm nang cũng được sử dụng trong các chương trình tập huấn thanh niên, chia sẻ kiến thức an toàn trên mạng cho người cao tuổi ở 63 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin còn phối hợp với Google xây dựng một video giả lập các tình huống lừa đảo trực tuyến mà người lớn tuổi thường gặp phải và hướng dẫn cách xử lý.
Ngoài truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hiện Bộ TT&TT đã và đang tiếp tục kêu gọi các tổ chức, các công ty truyền thông, mạng xã hội tăng cường xây dựng các tình huống, các hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng trên các nền tảng khác nhau.
Từ góc độ chuyên gia, ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng cho rằng, các đối tượng lừa đảo hiện nay đều nhắm tới tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội. Tuy nhiên, do tỷ lệ thành công ở nhóm người lớn tuổi thường cao hơn các nhóm khác nên tội phạm lừa đảo đang có xu hướng tập trung hơn vào nhóm đối tượng này. Người già thường ít trao đổi với con cái nên khả năng cập nhật các công nghệ, các phần mềm bảo vệ cũng như các thông tin, thủ đoạn lừa đảo mới có những hạn chế nhất định. Thực tế này cho thấy, rất cần sự chung tay của xã hội, đặc biệt là người thân, con cháu trong gia đình nhằm hỗ trợ, giúp đỡ ông bà, cha mẹ của mình tăng cường năng lực tự bảo vệ trước mối nguy lừa đảo trực tuyến đang ngày càng gia tăng.