Cần hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp với nghề truyền thống

Sau gần 1 năm Hội An chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO, với 2 lĩnh vực cốt lõi là nghề thủ công và nghệ thuật dân gian, những người làm nghề ở Hội An đang tìm cách thích ứng và phát triển, trong đó nổi bật là những đóng góp của thế hệ thanh niên, của những người trẻ. Tuy nhiên, vẫn rất cần thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát huy văn hóa bản địa.

Nghề tre dừa Cẩm Thanh chỉ vừa mới được công nhận Di sản văn hóa quốc gia, nhưng với anh Võ Tấn Tân, sáng tạo nghệ thuật dựa trên những khúc tre đã là một đam mê mà anh dành gần 20 năm theo đuổi.

Mới được thành lập hơn 3 năm nhưng làng Củi Lũ là một cái tên được đông đảo du khách tìm đến. Hội An trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu là cơ hội để họ đưa nghề thủ công và văn hóa Việt Nam vươn ra thế giới.

Điểm chung của họ đều xuất phát từ sự yêu mến nghề truyền thống của địa phương nhưng cơ chế hỗ trợ vẫn chưa cụ thể. Để khắc phục điểm yếu đó, Hội An đã xây dựng Đề án xây dựng Hội An - thành phố sáng tạo trình HĐND thành phố thông qua. Bên cạnh các chính sách khác, mỗi năm, thành phố sẽ bố trí 10 tỷ đồng cho các hoạt động thường xuyên.

Hội An hiện có đến 658 cơ sở, 1.710 hộ gia đình hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến nghề thủ công và nghệ thuật dân gian. Tuy số lượng lớn, nhưng nếu thiếu sự hỗ trợ lao động trẻ khởi nghiệp bằng các chính sách, cơ chế hỗ trợ phù hợp thì Hội An cũng khó có thể biến “di sản thành tài sản”, quá trình sáng tạo nên các giá trị mới trên nền giá trị truyền thống cũng sẽ bị chậm đi.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Mỹ Phượng - Lê Quang - Anh Khoa

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/can-ho-tro-nguoi-tre-khoi-nghiep-voi-nghe-truyen-thong-235159.htm