Cần hơn 9.000 tỉ đồng cho quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản
Theo tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực. Để đạt được mục tiêu đó, Bộ NN&PTNT tính toán trong thời gian tới cần hơn 9.000 tỉ đồng để phục vụ cho công tác quy hoạch và khai thác nguồn lợi thủy sản. Trong đó, nguồn ngân sách chiếm gần 21%, còn lại từ nhiều nguồn khác…
Theo Baochinhphu.vn, tại cuộc họp về Hội đồng thẩm định Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 (gọi tắt là Quy hoạch) diễn ra ngày 18-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đưa ra những lộ trình cụ thể cho ngành thủy sản, theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của Quy hoạch là bảo vệ, bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản trên các loại hình thủy vực và bảo tồn đa dạng sinh học biển..
Từ nay đến 2030 cả nước sẽ có 27 khu bảo tồn biển được thành lập và hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn khoảng 454.676 ha, chiếm khoảng 0,454% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Có 149 khu vực ở vùng biển và 119 khu vực vùng nội địa được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản và quản lý hiệu quả nhằm bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống của các loài thủy sản.
Tổng sản lượng khai thác thủy sản khoảng 2,8 triệu tấn. Tổng số tàu cá khoảng 83.600 chiếc. Tổng lao động trong ngành là khoảng 600.000 người. Cùng với đó, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thành một hệ thống liên hoàn, liên vùng nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu, dịch vụ hậu cần nghề cá. Xa hơn nữa là đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Theo trang thông tin điện tử Tổng cục thủy sản, trong 5 tháng đầu năm, cả nước đã khai thác được hơn 1,5 triệu tấn thủy hải sản, giảm 0,4% so với cùng kỳ.