Cần hướng dẫn rõ ràng để giải quyết chế độ cho người lao động bị tai nạn
Trước các vụ tai nạn lao động gần đây, nhiều doanh nghiệp bắt đầu quan tâm đến các quy định, giám định… cho các sự cố. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, hiện quy định vẫn còn chưa rõ ràng.
Nhiều nội dung cần được làm rõ
Ngày 24/5, Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền Thành phố do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức.
Hội nghị thu hút hơn 400 đại diện của các doanh nghiệp đăng ký tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 86 câu hỏi liên quan đến các vấn đề về hợp đồng lao động, đào tạo nghề nghiệp, thử việc, trợ cấp thôi việc, bảo mật thông tin trong quan hệ lao động…
Thời gian gần đây, hai vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng khiến 13 người chết, 8 người bị thương đã xảy ra ở Yên Bái và Đồng Nai. Trong đó có một vụ xảy ra đúng ngày Quốc tế Lao động 1/5, mở đầu “Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024”.
Những vụ tai nạn lao động đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, gây tâm lý bất ổn cho người lao động. Do đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM có sự quan tâm nhất định đến việc chi trả tiền lương, y tế, giám định… cho các trường hợp tai nạn lao động.
Đại diện Công ty TNHH Matai Việt Nam chia sẻ: “Tại Điều 38 và 47 Luật An toàn vệ sinh lao động có quy định chi trả tiền lương, y tế, giám định, nhưng có đến 3 cụm từ chuyên môn y tế: “Điều trị ổn định”, “thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động”, “điều trị ổn định còn di chứng”. Từ đó doanh nghiệp gặp khó để giải quyết khi có nhiều câu hỏi đặt ra như: Khi nào thì kết thúc điều trị do tai nạn lao động; đơn vị phải thanh toán lương, chi phí y tế đến khi nào?”
Liên quan đến nội dung này, ông Đoàn Văn Khoa, Phó Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động thông tin, tại Điều 38 Luật An toàn, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
Về thời điểm giám định mức suy giảm khả năng lao động, doanh nghiệp thực hiện theo Điều 47 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015. Cụ thể, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe.
Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù giải quyết chế độ cho người bị tai nạn nhưng đơn vị không thể chủ động dựa vào chứng từ y tế, phải liên hệ với bệnh viện xin, việc này rất mất thời gian và gây phiền hà cho bệnh viện.
Nguyên nhân là do, theo quy định hiện nay, doanh nghiệp phải xin xác nhận từ 2 - 3 lần cho một vụ tai nạn. Vì thế, các doanh nghiệp kiến nghị, cần có hướng dẫn rõ ràng để đơn vị vừa giải quyết chế độ theo đúng quy định vừa không phải làm phiền nhiều lần với các đơn vị khám, chữa bệnh.
Doanh nghiệp chưa biết cách phân loại
Các doanh nghiệp cũng phản ánh trực tiếp, khi người lao động bị tai nạn lao động thì đơn vị căn cứ vào khoản 2, khoản 3 điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, nội dung ở 2 quy định này vẫn chưa rõ ràng giữa thời gian điều trị ổn định và thời gian nghỉ điều trị, phục hồi chức năng lao động.
Ngoài ra, dù đã thánh toán chi phí lương, y tế cho những trường hợp nghỉ điều trị dài ngày có nhiều chứng từ nghỉ ốm sau một thời gian điều trị thì có thêm một số mã bệnh khác kèm theo hoặc chuyển sang mã bệnh di chứng như: Trường hợp bị ngã xe trên đường bị gãy đốt ngón tay nghỉ hơn 3 tháng nhưng khi có kết quả giảm định thì chỉ 1%, nghỉ hơn 6 tháng do gãy kín chõm xương ngón chân kết quả giám định 8%...
Có thể thấy, các doanh nghiệp dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động bị tai nạn. Tuy nhiên, việc phân loại các trường hợp tai nạn, giám định mức độ… vẫn còn rất khó khăn.
Trả lời vấn đề này, ông Khoa chia sẻ: “Đối với những nội dung liên quan đến tình trạng thương tích, chứng từ y tế do bị tai nạn lao động đề nghị doanh nghiệp có văn bản hỏi ngành y tế để có cơ sở thực hiện theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, về nội dung thực hiện giám định mức suy giảm khả năng lao động, thời gian nghỉ điều trị tai nạn lao động, thanh toán lương trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp có thể tham khảo và thực hiện theo quy định tại Điều 47 và Điều 54 Luật An toàn vệ sinh lao động.