Cần hướng dẫn tổ hợp tác đăng ký hoạt động để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Những năm qua, ngày càng có nhiều tổ hợp tác ra đời và phát triển ở các ngành nghề, lĩnh vực đã góp phần không nhỏ vào giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, lao động vùng nông thôn. Tuy nhiên, đa phần các tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đều hoạt động tự phát, chưa đủ điều kiện để thụ hưởng chính sách, nguồn lực, chính sách đầu tư của Nhà nước cho tổ chức kinh tế hợp tác này theo quy định mới của Luật Hợp tác xã 2023. Vì vậy, ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn các tổ hợp tác hoạt động đúng luật.

Theo số liệu Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.983 tổ hợp tác với 23.910 thành viên. Trung bình mỗi tổ hợp tác doanh thu khoảng 407 triệu đồng/năm, lợi nhuận khoảng 91 triệu đồng/năm. Có 9 tổ hợp tác có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Mô hình tổ hợp tác trên địa bàn thường có từ 5 - 7 hộ gia đình tự nguyện tập hợp nhau lại để góp vốn đầu tư sản xuất hoặc chia công đoạn sản xuất và cùng hưởng lợi, qua đó khắc phục được hạn chế của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất.

Trên thực tế, đây là loại hình kinh tế hợp tác gần gũi với mô hình hợp tác xã, có từ lâu và ngày càng khẳng định sự phù hợp với trình độ phát triển kinh tế ở vùng nông thôn. Cùng với những đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, một số tổ hợp tác hoạt động hiệu quả với cách quản lý, điều hành chặt chẽ từ nguồn vốn đến khâu hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... là tiền đề và bước đệm để vươn lên phát triển thành những tổ chức hợp tác lớn mạnh hơn.

Bên cạnh một số kết quả đạt được thì hiện nay, mô hình tổ hợp tác vẫn còn hoạt động khá lỏng lẻo; phần lớn mang tính tự phát, thời vụ, thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh thị trường thấp. Đa số cán bộ quản lý của tổ hợp tác có trình độ, năng lực điều hành hạn chế, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ, hoạt động chủ yếu theo kinh nghiệm. Đặc biệt, tỉ lệ tổ hợp tác có đăng ký hoạt động còn ít (chỉ có 248/1.983 tổ hợp tác có đăng ký với chính quyền địa phương). Vì vậy, khó tiếp cận các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển, nhất là các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển mô hình.

Từ ngày 1/7/2024, Luật Hợp tác xã 2023 (thay thế Luật Hợp tác xã 2012) bắt đầu có hiệu lực. Luật Hợp tác xã mới sẽ loại bỏ các quy định cũ gây trở ngại, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, thông thoáng giúp các tổ chức kinh tế hợp tác, trong đó có tổ hợp tác phát triển hiệu quả, năng động và bền vững.

Đặc biệt, Luật Hợp tác xã 2023 đã bổ sung tổ hợp tác vào đối tượng áp dụng và có một chương riêng gồm 3 điều quy định hoạt động cho loại hình kinh tế hợp tác này gồm: Thành lập, hoạt động của tổ hợp tác; Chuyển đổi tổ hợp tác thành hợp tác xã; Chính sách hỗ trợ tổ hợp tác chuyển đổi thành hợp tác xã. Việc bổ sung quy định mới sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ hợp tác hoạt động. Đồng thời tạo cơ hội để tổ hợp tác tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dễ dàng hơn, thúc đẩy loại hình này phát triển trong thời gian tới.

Mới đây, Nghị định số 113/2024/NĐ-CP, ngày 12/9/2024 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã đã quy định chi tiết các tiêu chí để lựa chọn đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Theo đó, cùng với loại hình hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác cũng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ nếu đảm bảo các quy định của Luật Hợp tác xã mới.

Tổ hợp tác sẽ được xem xét hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, thông tin, tư vấn; đất đai; thuế, phí và lệ phí; tiếp cận vốn, bảo hiểm; ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tiếp cận và nghiên cứu thị trường; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (phí bảo hiểm nông nghiệp theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, hỗ trợ vốn, giống, khoa học và công nghệ khi tổ hợp tác chuyển đổi sang sản xuất bền vững, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu...).

Tuy nhiên, thực trạng hiện nay của mô hình tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh với số lượng 87,5% tổ hợp tác đang hoạt động tự phát, chưa có tư cách pháp nhân nên sẽ không đủ điều kiện để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Luật Hợp tác xã mới. Đây sẽ là thiệt thòi rất lớn cho các tổ hợp tác khi các chính sách trên được triển khai thực hiện.

Vì vậy, thời gian tới, cơ quan chức năng cần phối hợp các địa phương tổ chức khảo sát, kiểm tra, thẩm định, đánh giá tổng thể về số lượng, chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác trên địa bàn. Từ đó có sự tư vấn, hướng dẫn nhằm củng cố các tổ hợp tác, trọng tâm là xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp và các thủ tục đăng ký chứng nhận tổ hợp tác với chính quyền địa phương.

Đồng thời có báo cáo tổng hợp, tham mưu chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện để tổ hợp tác tiếp cận, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ chính sách mới, nhất là thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai, khoa học - công nghệ, thị trường... Để mô hình tổ hợp tác phát triển vững mạnh cũng cần có các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng tổ chức quản lý cho tổ trưởng và các thành viên ban điều hành tổ hợp tác.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/can-huong-dan-to-hop-tac-dang-ky-hoat-dong-de-duoc-huong-cac-chinh-sach-ho-tro-cua-nha-nuoc-190666.htm