Thủ tướng: Nông nghiệp phải tăng tốc và bứt phá, phấn đấu xuất khẩu 70 tỷ USD

Năm 2024, ngành nông nghiệp đã khẳng định tinh thần 'biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể'. Năm 2025, Thủ tướng yêu cầu ngành phải tăng tốc và bứt phá, phấn đấu xuất khẩu đạt 70 tỷ USD.

Ngành nông nghiệp đã "biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể"

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch năm 2025 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, chiều 27/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu ngành nông nghiệp đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung của cả nước trong năm 2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong năm 2024, đất nước ta đã vượt qua nhiều thách thức, tháo gỡ được nhiều khó khăn, đạt được rất nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực; đời sống người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc; uy tín và vị thế của đất nước được nâng lên.

Ngoài những kết quả được nêu trong báo cáo, Thủ tướng nhấn mạnh 3 thành tựu và kết quả nổi bật của ngành nông nghiệp, trong đó có công tác phòng, chống và khắc phục nhanh hậu quả bão số 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành nông nghiệp năm 2025 phấn đấu xuất khẩu đạt 70 tỷ USD. Ảnh: NNVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành nông nghiệp năm 2025 phấn đấu xuất khẩu đạt 70 tỷ USD. Ảnh: NNVN

Ngành nông nghiệp cũng đã khẳng định tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", trước những khó khăn do đứt gãy thị trường, thiên tai và bão lụt... Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ...

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém mà ngành cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Đơn cử, ngành chưa khai thác hết, chưa phát triển ngang tầm tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và nền văn minh lúa nước. Công tác xây dựng quy hoạch, chiến lược, thể chế, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển nhanh và bền vững còn hạn chế. Việc gỡ bỏ "thẻ vàng" của EC đối với đánh bắt hải sản còn nhiều khó khăn, thách thức...

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm và tăng cường kiểm tra, đôn đốc; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài ngành, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, phải bám sát tình hình, thị trường, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ với các đối tác, nhất là trong những lúc khó khăn, thách thức.

Đặc biệt, muốn phát triển các mặt hàng, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế thì cần tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, làm sao để khi nói đến cà phê, hồ tiêu, hạt điều là nói tới Việt Nam. Phải có quy hoạch vùng nguyên liệu, phát triển thị trường, xây dựng chỉ dẫn địa lý, mẫu mã…

Xuất khẩu phấn đấu đạt 70 tỷ USD

Theo Thủ tướng, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá về đích của cả nhiệm kỳ 2021-2025. Do đó, ngành nông nghiệp cũng phải tăng tốc, bứt phá, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,5-4%, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản phấn đấu đạt 70 tỷ USD...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tập trung triển khai kế hoạch phát triển ngành năm 2025; đồng thời tổ chức tốt Đại hội Đảng các cấp và sắp xếp kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy theo hướng hạn chế tối đa giao thoa, không trùng chéo, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn, toàn diện hơn; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường giám sát, kiểm tra; bỏ khâu trung gian, tránh phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp; bảo đảm công khai, minh bạch, đẩy mạnh chuyển đổi số để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Việc tinh gọn bộ máy phải gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảm bảo bộ máy sau khi sắp xếp thật sự tinh, gọn, mạnh, hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, làm bài bản nhưng phải khẩn trương, tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn cho phát triển.

Cũng theo Thủ tướng, ngành nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển bền vững dựa trên tiềm năng và lợi thế. Phải ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng; phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và manh mún.

Phải đẩy mạnh chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng cơ sở dữ liệu để phát triển trí tuệ nhân tạo trong ngành nông nghiệp; đồng thời đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu trong quý I/2025, Bộ NN-PTNT cùng các cơ quan phải trình Chính phủ hai đề án về ứng phó với biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở tại ĐBSCL và ứng phó sạt lở tại miền núi phía Bắc.

Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng với động lực, khí thế mới và nền tảng trong những năm qua, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Từ đó, đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra, góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của dân tộc.

Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, năm 2025 mở ra chương mới cho ngành nông nghiệp Việt Nam, với nhiều cơ hội lớn và hàng loạt thách thức. Bộ NN-PTNT lựa chọn chủ đề 2025 là “Thích ứng linh hoạt - Khơi thông nguồn lực - Tăng tốc bứt phá”, như gợi mở của Thủ tướng Chính phủ, không chỉ là thông điệp hành động, mà còn là quyết tâm mạnh mẽ của toàn ngành.

Bộ trưởng khẳng định: Giá trị xanh, bền vững không còn là xu hướng. Giảm phát thải, tối ưu hóa quy trình sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường… không còn là khẩu hiệu, hay khuyến nghị cho tương lai, mà đã hiện diện trong mọi hoạt động của đời sống hàng ngày.

"Người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng, giá cả, mà chú trọng cả về tổng thể quy trình sản xuất, cách thức sản phẩm nông nghiệp được tạo ra, về quá trình vận chuyển nông sản, từ cánh đồng, ao nuôi… đến bàn ăn, có bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn, thân thiện với môi trường, và cả câu chuyện cảm xúc, nét độc đáo của chính người nông dân, của làng quê nông thôn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Năm 2024, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt khoảng 3,3%, cao hơn mức Chính phủ giao 3-3,2%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 62,5 tỷ USD. Thặng dư thương mại ngành nông nghiệp đạt 17,9 tỷ USD, chiếm khoảng 72% thặng dư thương mại toàn nền kinh tế.

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thu-tuong-nong-nghiep-phai-tang-toc-va-but-pha-phan-dau-xuat-khau-70-ty-usd-2357297.html