Cần kế hoạch cụ thể để đầu tư cho y tế cơ sở

'Đầu tư cho y tế cơ sở không thể nói chung chung mà phải có một chiến lược, kế hoạch, hành động cụ thể bởi việc chăm sóc sức khỏe gắn liền với hoạt động của tất cả các ngành, các cấp và với chức năng, nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương', PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nêu ý kiến.

Đầu tư cho y tế cơ sở là đầu tư cho phát triển

- Ông đánh giá thế nào về các cơ chế, chính sách đầu tư cho y tế cơ sở hiện nay?

- Có thể khẳng định, y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển, với một loạt các chính sách quan trọng được ban hành thời gian qua. Có thể kể đến Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó Quốc hội quyết nghị dành một phần trong gói 14.000 tỷ đồng của chính sách đầu tư phát triển y tế để xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; Nghị quyết số 99/2023/QH15 giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Tháng 2.2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Đặc biệt, tháng 10.2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm rất cụ thể để phát triển y tế cơ sở, như: nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; lồng ghép chỉ tiêu về y tế cơ sở và các chỉ tiêu liên quan đến sức khỏe, y tế trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm, 10 năm của quốc gia và địa phương; tăng cường nguồn lực cho y tế dự phòng, sàng lọc và phát hiện bệnh sớm…

Các nghiên cứu đã chỉ ra, bỏ 1 đồng cho y tế dự phòng có thể thu hiệu quả lên tới 10 đồng. Do vậy, nếu thực hiện tốt các chính sách quan trọng này, sẽ bảo đảm cho y tế cơ sở phát triển, bảo đảm chăm sóc sức khỏe người dân, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước, an sinh xã hội.

Đầu tư thích đáng cho nguồn nhân lực

- Như ông vừa chỉ ra, các chính sách được ban hành thời gian qua rất quan trọng và cần thiết để y tế cơ sở phát triển, vấn đề là khâu triển khai thực hiện. Vậy đầu tư cho y tế cơ sở cần lưu ý gì?

- Đầu tư cho y tế cơ sở đừng nghĩ chỉ là đầu tư cho trạm y tế xã to, hay đưa bác sĩ về khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế… Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Y tế cơ sở có nhiệm vụ rất quan trọng là quản lý sức khỏe toàn bộ người dân trên địa bàn đó. Y tế cơ sở và y tế dự phòng là gắn với người dân, và phải toàn diện về các lĩnh vực như phòng, chống dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm, các bệnh không lây nhiễm cũng như các yếu tố nguy cơ, nâng cao sức khỏe… Ví dụ muốn giảm người dân vào viện vì đột quỵ, giảm tàn tật, giảm tử vong thì phải quản lý được các bệnh nhân cao huyết áp, tiểu đường; tuyên truyền, tư vấn cho người dân biết cách phòng bệnh…

Bên cạnh đó, cần đầu tư thích đáng cho công tác nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ này cũng như có chế độ đãi ngộ thỏa đáng cho họ. Rất mừng là Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư đã yêu cầu cụ thể về vấn đề này.

Chính sách cho y tế cơ sở cần phải đi vào thực chất, phải căn cứ trên người dân, dựa vào đặc thù địa phương để quan tâm đầu tư thích đáng. Đầu tư cho y tế cơ sở không thể nói chung chung mà phải có một chiến lược, kế hoạch, hành động cụ thể bởi việc chăm sóc sức khỏe gắn liền với hoạt động của tất cả các ngành, các cấp gắn liền với chức năng, nhiệm vụ từ Trung ương đến địa phương. Theo đó, cần đặt ra những nội dung, mục tiêu cụ thể, như trong năm nay sẽ thực hiện phòng, chống dịch bệnh như thế nào, giảm tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm ra sao… nếu không sẽ rất khó thực hiện.

Một vấn đề quan trọng nữa là cần thay đổi chính sách chi tiêu cho y tế dự phòng bởi nhiều khi có tiền mà không chi tiêu được. Thực tế vừa qua cho thấy, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế không còn thì những thông tư hướng dẫn chi tiêu cho y tế dự phòng không được tháo gỡ, khiến nhiều địa phương có tiền mà không chi được cho y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ngoài ra, bảo hiểm y tế cũng cần nghiên cứu đầu tư được cho y tế dự phòng, y tế cơ sở chứ không phải chỉ là vấn đề khám bệnh, chữa bệnh.

- Nhân lực cho y tế cơ sở là vấn đề rất được quan tâm hiện nay. Chỉ thị số 25 đặt mục tiêu đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn. Ông nghĩ sao về mục tiêu này?

- Đây là một mục tiêu rất cần thiết và rất quan trọng. Song, cần xác định rõ vai trò của bác sĩ tuyến trạm y tế này. Đó phải là bác sĩ hoạt động được trong việc quản lý sức khỏe người dân. Ví dụ trạm trưởng trạm y tế phải nắm được và tham mưu được các kế hoạch chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân trong xã, phải biết tỷ lệ sinh, tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ người cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn tâm thần… tại xã đó. Hiện nay, chúng ta cứ nghĩ bác sĩ ở tuyến cơ sở để khám bệnh, chữa bệnh cho người dân là chưa đúng. Muốn có được bác sĩ như thế, cần phải chú trọng công tác đào tạo cán bộ y tế dự phòng, có các chính sách cho cả cơ sở giáo dục lẫn người học để họ yên tâm với công việc.

- Để thúc đẩy y tế cơ sở, việc huy động sự tham gia của tư nhân cũng rất quan trọng. Đây cũng là định hướng tại Chỉ thị số 25. Vậy theo ông, làm thế nào để thu hút được khu vực này vào việc thăm khám sức khỏe ban đầu cho người dân?

- Khuyến khích y tế tư nhân, tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng và kết nối với y tế cơ sở trong quản lý sức khỏe cá nhân là định hướng rất quan trọng và cần thiết, vì họ làm việc trực tiếp tại địa bàn nên tiếp cận được với người dân. Do đó, đối với y tế tư nhân, phải xem xét lại những vấn đề gì họ có thể phối hợp; phải đưa họ vào trong hệ thống y tế địa phương để quản lý; phải gắn trách nhiệm đi cùng quyền lợi cho họ như vấn đề bảo hiểm y tế, được đào tạo trong hệ thống… Chỉ khi làm rõ quyền lợi, trách nhiệm thì sẽ thu hút được khu vực tư nhân tham gia y tế cơ sở.

Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh - Quang Khánh thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/suc-khoe/can-ke-hoach-cu-the-de-dau-tu-cho-y-te-co-so-i361141/