Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhận thêm nhiệm vụ mới

Theo Quyết định của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long là Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Phó Chủ tịch Hội đồng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 560/QĐ-TTg thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững (Hội đồng).

Hội đồng được thành lập trên cơ sở kiện toàn Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh (được thành lập tại Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 31/5/2012 và được kiện toàn tại Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 18/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ).

Phó Thủ tướng Lê Thành Long là Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long là Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững.

Chủ tịch Hội đồng là Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; Phó Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các Ủy viên Hội đồng gồm đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: VPCP; Bộ KH&ĐT; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài chính; Bộ LĐTB&XH; Bộ TN&MT; Bộ KH&CN; Bộ GD&ĐT; Bộ NNPTNT; Bộ TT&TT; Bộ VHTT&DL; Bộ Y tế; Bộ Xây dựng; Bộ GTVT; Bộ Công Thương; Bộ Tư pháp; Bộ Công an; Bộ Nội vụ; Thanh tra Chính phủ; NHNN Việt Nam; Ủy ban Dân tộc; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Ngoài ra, Ủy viên Hội đồng còn có đại diện lãnh đạo các ban của Đảng: Ban Tuyên giáo Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương và đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng doanh nghiệp: Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Hội đồng là tổ chức phối hợp liên ngành có chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, phối hợp giữa các bên liên quan thực hiện phát triển bền vững ở Việt Nam.

Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, khuyến nghị, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thực hiện phát triển bền vững trên phạm vi quốc gia; triển khai các cam kết toàn cầu về phát triển bền vững tại Việt Nam, trong đó bao gồm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; đánh giá, tổng kết kết quả thực hiện phát triển bền vững trên phạm vi quốc gia và tổ chức định kỳ Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững….

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/pho-thu-tuong-le-thanh-long-nhan-them-nhiem-vu-moi-169240626173404145.htm