Cần khẩn trương giải quyết những vướng mắc liên quan đến Dự án Tỉnh lộ 152

Dự án Tỉnh lộ 152 đoạn từ xã Bản Dền - Thanh Phú (Sa Pa) đi Tả Thàng - xã Xuân Giao - Quốc lộ 4E (Bảo Thắng) khởi công năm 2014 và đưa vào sử dụng năm 2016. Tuy nhiên đến nay, nhiều vướng mắc xung quanh dự án này chưa được giải quyết dứt điểm khiến người dân bức xúc.

Tỉnh lộ 152, đoạn Bản Dền - Thanh Phú (Sa Pa) đi Tả Thàng - Xuân Giao - Quốc lộ 4E (Bảo Thắng) đã hoàn thành và đi vào sử dụng từ năm 2017.

Tỉnh lộ 152, đoạn Bản Dền - Thanh Phú (Sa Pa) đi Tả Thàng - Xuân Giao - Quốc lộ 4E (Bảo Thắng) đã hoàn thành và đi vào sử dụng từ năm 2017.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, khi báo cáo đề nghị phê duyệt dự án, Tỉnh lộ 152 từ Bản Dền - Thanh Phú (Sa Pa) đi Tả Thàng - xã Xuân Giao - Quốc lộ 4E (Bảo Thắng) đi vào hoạt động sẽ góp phần kết nối khu vực hạ huyện Sa Pa với huyện Bảo Thắng, tạo điều kiện để người dân tăng cường trao đổi hàng hóa, giao thương, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội các xã nơi tuyến đường đi qua.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi biết tuyến đường được đầu tư xây dựng, người dân ở các xã trong vùng dự án rất đồng thuận. Những hộ bị ảnh hưởng khi thi công dự án cũng rất đồng tình với phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư và đều nhanh chóng di chuyển nhà ở, tài sản bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau khi tuyến đường đi vào vận hành đã phát sinh một số vấn đề khiến người dân bức xúc. Cụ thể, dự án đang nợ 1,7 tỷ đồng tiền đền bù của người dân, mặc dù công tác thống kê, áp giá bồi thường, hỗ trợ dân ổn định đời sống được phê duyệt từ năm 2015. Bên cạnh đó, sau khi hoàn thành dự án, chủ đầu tư phải hoàn trả công trình mương thủy lợi dài 250 m (do thi công làm hư hỏng), tuy vậy công trình thủy lợi này mặc dù đã có thiết kế và được phê duyệt từ năm 2016 nhưng hiện chưa có kinh phí chi trả nên chưa thi công, ảnh hưởng đến 6 ha lúa canh tác 2 vụ của dân.

Đặc biệt, theo thống kê của UBND xã Xuân Giao, hiện nay còn 26 hộ trên địa bàn xã vẫn đang bị chủ đầu tư dự án nợ tiền thuê nhà với tổng số hơn 570 triệu đồng. Dự án cũng đang nợ 50% số tiền phải chi trả cho 7 hộ bị ảnh hưởng trong quá trình thi công.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Bình, ở thôn Hợp Xuân, xã Xuân Giao bức xúc: Năm 2015, gia đình bà đã không ngần ngại bàn giao mặt bằng và đồng ý di chuyển đến nơi ở mới. Lúc đó, các cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng đồng ý hỗ trợ gia đình bà thuê nhà ở trong thời gian chờ đất tái định cư với mức 1,5 triệu đồng/tháng. Nhưng rồi, dù gia đình bà đã về nhà mới ở được gần 4 năm vẫn chưa được nhận đủ số tiền hỗ trợ thuê nhà trong thời gian gần 2 năm.

“Điều khiến tôi bức xúc là trong khi tỉnh nợ tiền hỗ trợ thuê nhà của gia đình tôi, tôi lại bị Chi cục Thuế Bảo Thắng xử phạt gần 10 triệu đồng vì chậm nộp tiền thuế sử dụng đất lúc nhận đất tái định cư. Như vậy thật không công bằng, nguyên nhân việc chậm nộp tiền thuế sử dụng đất là do gia đình tôi phải đi thuê nhà ở gần 2 năm với giá gần 2 triệu đồng/tháng. Khó khăn chồng chất khó khăn, dù tôi có trình bày hoàn cảnh vẫn không được chấp nhận”, bà Bình nói.

Bà Trần Thị Hoa, Trưởng thôn Hợp Xuân, xã Xuân Giao cũng cho biết, để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai Dự án Tỉnh lộ 152, các hộ thuộc diện phải di chuyển nhà ở đã nghiêm chỉnh chấp hành, nhiều hộ phải đi thuê nhà với giá cao, tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư không chi trả đầy đủ tiền thuê nhà cho người dân và họ cũng không được hưởng đầy đủ quyền lợi của mình.

Ông Nguyễn Công Lập, Chủ tịch HĐND xã Xuân Giao nhấn mạnh, việc chủ đầu tư và đơn vị thi công không kịp thời giải quyết những vướng mắc kéo dài nhiều năm qua, mặc dù dự án đã cơ bản hoàn thành, khiến người dân rất bức xúc. Một số hộ còn có ý định rào đường, ngăn cản giao thông để gây sức ép với chính quyền địa phương và chủ đầu tư, tuy nhiên, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật, không khiếu kiện đông người, không làm phát sinh điểm nóng mất an ninh, trật tự xã hội. “Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành sớm giải quyết vướng mắc liên quan đến dự án để người dân ổn định đời sống và cũng thuận lợi hơn khi triển khai các dự án khác trên địa bàn sau này” - ông Lập cho biết.

Dự án đường tỉnh Bản Dền - Thanh Phú (Sa Pa) đi Tả Thàng - Xuân Giao - Quốc lộ 4E (Bảo Thắng) thuộc Tỉnh lộ 152 khởi công năm 2014 và đưa vào sử dụng năm 2016 với tổng kinh phí 852,373 tỷ đồng, gồm: Vốn trái phiếu Chính phủ 680 tỷ đồng; vốn Thủy điện Nậm Củm 120 tỷ đồng; các nguồn vốn khác của tỉnh là 52,373 tỷ đồng. Theo Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai, tổng nguồn vốn bố trí cho dự án đến nay là 680 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Tổng giá trị thực hiện đến nay là 703,77 tỷ đồng; vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư là 52,373 tỷ đồng (phần do tỉnh chưa bố trí). Hiện dự án còn nợ giá trị khối lượng chưa hoàn thành là 23,77 tỷ đồng (xây lắp 18,731 tỷ đồng, chi phí khác 2,284 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng 2,755 tỷ đồng).

Được biết, trước những bức xúc của người dân, UBND huyện Bảo Thắng và Sở Giao thông vận tải - Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải quyết, ưu tiên bố trí kế hoạch vốn năm 2019 cho dự án 3 tỷ đồng để thanh toán trước kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng khẳng định: Trong tháng 12/2019, sở sẽ báo cáo và đề nghị UBND tỉnh ứng tiền giải quyết dứt điểm những vướng mắc xung quanh dự án, đặc biệt là tiền hỗ trợ các hộ thuê nhà chờ nhận đất tái định cư.

Hy vọng với sự vào cuộc tích cực của chủ đầu tư và cơ quan chức năng của tỉnh, các hộ liên quan đến Dự án đường tỉnh (Bản Dền - Thanh Phú (Sa Pa) đi Tả Thàng - Xuân Giao - Quốc lộ 4E (Bảo Thắng) sẽ được giải quyết dứt điểm những vướng mắc và ổn định đời sống.

Nhóm PV thời sự

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/an-toan-giao-thong/can-khan-truong-giai-quyet-nhung-vuong-mac-lien-quan-den-du-an-tinh-lo-152-z56n20191223085721032.htm