Cần khẩn trương rà soát, cảnh báo các vị trí xung yếu có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét

Trận mưa lớn đêm 17 và sáng 18/5 đã gây ra lũ quét kinh hoàng tại các xã Đồng Phúc, Yến Dương huyện Ba Bể khiến 04 người chết, 03 người bị thương, nhiều nhà cửa, tài sản, hoa màu bị cuốn trôi. Sự việc đau lòng này cho thấy việc cảnh báo thiên tai, rà soát các khu vực xung yếu cần sớm được khẩn trương thực hiện, nhất là khi mùa mưa đang đến.

 Bùn và đất đá tràn vào nhà của một hộ dân ở thôn Phiêng Khăm, xã Yến Dương (Ba Bể) do lũ quét vào đêm 17, rạng sáng ngày 18/5.

Bùn và đất đá tràn vào nhà của một hộ dân ở thôn Phiêng Khăm, xã Yến Dương (Ba Bể) do lũ quét vào đêm 17, rạng sáng ngày 18/5.

Cả 2 thôn bị thiệt hại đều nằm ở khu vực có địa hình hiểm trở, đồi núi cao bao quanh, nhiều khe suối. Mưa lớn kéo dài khiến nước tích tụ trong lòng đất, dâng lên từ thượng nguồn gây ra lũ quét trong đêm. Khi nước rút, những gì còn lại là khung cảnh hoang tàn: Nhà cửa đổ sập, cây cối ngổn ngang, đất đá chất thành đống lớn. Nhiều hộ dân mất trắng tài sản, cuộc sống rơi vào cảnh khốn khó. Cơ sở hạ tầng bị hư hỏng nặng như cầu dân sinh, đường điện, vật nuôi, cây trồng… đều chịu thiệt hại.

Ông Triệu Xuân Đức, người dân thôn Phiêng Khăm, chia sẻ: “Hơn 40 năm sống ở đây, tôi chưa bao giờ chứng kiến trận lũ quét kinh hoàng đến vậy. Nhà cửa, vật nuôi trôi sạch. Giờ ở lại cũng chẳng yên tâm”.

 Đường đi của lũ quét ở ngôi làng Phiêng Khăm, xã Yến Dương giờ trơ lại những tảng đá lớn.

Đường đi của lũ quét ở ngôi làng Phiêng Khăm, xã Yến Dương giờ trơ lại những tảng đá lớn.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, huy động lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả, giúp người dân dọn dẹp, ổn định cuộc sống bước đầu. Tuy nhiên, mùa mưa vẫn còn dài và nỗi lo thiên tai vẫn treo lơ lửng trên đầu nhiều hộ dân sống ở khu vực ven đồi, gần khe suối hay dưới ta luy dương.

Đơn cử như gia đình ông Hoàng Văn Tài, thôn Nà Mô, xã Địa Linh (Ba Bể), do nhà nằm dưới ta luy dương nên khi mưa lớn xảy ra vào đêm 30/4, đất đá từ trên đồi sạt xuống làm hỏng nhiều tài sản. Sáu thành viên trong gia đình buộc phải di dời tạm thời ra lán để đảm bảo an toàn, việc di dời đã ảnh hưởng đến việc học hành, sinh hoạt của cả gia đình.

Huyện Ba Bể có nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở cao như thị trấn Chợ Rã, xã Địa Linh, Yến Dương… Nhiều nhà dân được xây dựng sát ta luy dương hoặc gần khe suối, đặc biệt ở các thôn vùng cao, nơi việc xây dựng nhà kiên cố còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi mưa lớn kéo dài.

 Những ngôi nhà sát với sông suối bị xói lở cần sớm được vận động di dời khi có mưa to kéo dài.

Những ngôi nhà sát với sông suối bị xói lở cần sớm được vận động di dời khi có mưa to kéo dài.

Ông Phạm Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo các xã khẩn trương rà soát những điểm nguy cơ cao, vận động các hộ dân nằm trong vùng không an toàn di dời sớm. Những vị trí mất an toàn đã được chăng dây cảnh báo, đồng thời tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, theo dõi sát thông tin thời tiết”.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 30 điểm có nguy cơ sạt lở cao, với trên 550 hộ dân sinh sống. Nhiều nơi từ mùa mưa năm ngoái đã xuất hiện vết nứt trên đỉnh đồi và nay có thể tiếp tục mở rộng, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của người dân.

Cụ thể các vị trí có nguy cơ cao gồm: Khu dân cư Nà Chạp, Nà Thoi, xã Quang Thuận (Bạch Thông); khu dân cư tiểu khu 8, thị trấn Chợ Rã; Nà Pài, xã Yến Dương; Nà Chom, Nà Lẻ, Nà Hai, xã Quảng Khê; xã Thượng Giáo (Ba Bể); tổ 8A, tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, tổ 4 phường Đức Xuân (Thành phố Bắc Kạn); thôn Nà Pha, Nà Áng, xã Đồng Lạc (Chợ Đồn); Khu dân cư Khuổi Tuốn, xã Nghiên Loan; khu dân cư Phja Phjẩng, xã Cổ Linh; khu dân cư Bộc Bố (huyện Pác Nặm); khu dân cư thôn Nà Mỏ, xã Kim Hỷ; khu Chợ, xã Xuân Dương (huyện Na Rì)...

 Gia đình ông Hoàng Văn Tài, thôn Nà Mô, xã Địa Linh phải di dời các thành viên ra ở khu vực lán tạm do ngôi nhà gần ta luy dương đã mất an toàn.

Gia đình ông Hoàng Văn Tài, thôn Nà Mô, xã Địa Linh phải di dời các thành viên ra ở khu vực lán tạm do ngôi nhà gần ta luy dương đã mất an toàn.

Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, công tác rà soát, đánh giá mức độ nguy hiểm của các điểm xung yếu cần được thực hiện khẩn trương, cụ thể. Những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét cần được đánh giá kỹ lưỡng, cắm biển cảnh báo và có phương án di dời kịp thời.

 Người dân xã Yến Dương dọn dẹp đường dân sinh sau lũ.

Người dân xã Yến Dương dọn dẹp đường dân sinh sau lũ.

Ngoài ra, việc tăng cường tuyên truyền, cập nhật thông tin thời tiết cho người dân là điều vô cùng quan trọng. Các hộ sống gần suối, dưới đồi cao, cần chủ động theo dõi các dấu hiệu bất thường như tiếng nước chảy lớn, vết nứt mới xuất hiện, nước đục chảy mạnh… để báo ngay cho chính quyền địa phương.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ chính quyền, mỗi người dân cũng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để ứng phó kịp thời trong các tình huống khẩn cấp: Chuẩn bị đèn pin, nhu yếu phẩm, phương tiện liên lạc và đặc biệt là nâng cao tinh thần cảnh giác khi mưa lớn kéo dài.

Mùa mưa chỉ mới bắt đầu, sự chủ động từ cả người dân và chính quyền địa phương sẽ là yếu tố then chốt giúp hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra./.

Thu Trang

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/can-khan-truong-ra-soat-canh-bao-cac-vi-tri-xung-yeu-co-nguy-co-cao-ve-sat-lo-dat-lu-ong-lu-quet-post70844.html