'Cần khép lại một số vùng được đầu tư nửa kín, nửa hở ở đồng bằng sông Cửu Long'
'Có lẽ chúng ta nên có tuyên ngôn với người dân ĐBSCL và cả nước rằng: Chúng ta không phải quốc gia dư thừa nước. Tài nguyên này sẽ ngày càng khan hiếm hơn', Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Trả lời vấn đề đại biểu nêu liên quan đến hồ chứa nước, hồ thủy lợi và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ với những khó khăn của người dân ở khu vực này: “Tôi là người ở đồng bằng sông Cửu Long, nên tôi cũng cảm nhận điều đó, ngay trước cửa nhà mình hàng ngày”.
Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến thị sát và giao Bộ NN-PTNT trình đề án tổng thể về vấn đề này. Dự kiến đến tháng 9 tới, Bộ sẽ trình đề án, trong đó có cách tiếp cận tổng thể hơn, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn.
“Bộ cũng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia ở Hà Nội và TPHCM; tổ chức diễn đàn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì gặp gỡ lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để lắng nghe thêm ý kiến của chuyên gia về vấn đề này”, ông Lê Minh Hoan nêu rõ.
Theo người đứng đầu Bộ NN-PTNT, thế giới được đánh giá đang ở trong kỷ nguyên khô hạn, mang tính toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất.
“Cách thức sử dụng nước sẽ tác động đến số lượng và chất lượng nước. Trong khi đó, chúng ta chưa bao giờ xem nước là một tài nguyên bởi mọi người vẫn nghĩ nước là vô hạn. Nhưng thực tế, đứng trước vấn đề biến đổi khí hậu, cách thức khai thác, sử dụng đã khiến nước trở thành tài nguyên hữu hạn. Vừa qua, chúng tôi có làm việc với các chuyên gia ở Israel. Đây là quốc gia sa mạc nhưng họ vẫn có nền nông nghiệp vượt trội. Khởi đầu của họ là văn hóa tiết kiệm nước trong tiêu dùng, sinh hoạt, sản xuất. Có lẽ, chúng ta nên có tuyên ngôn với người dân ĐBSCL và cả nước rằng: Chúng ta không phải quốc gia dư thừa nước. Tài nguyên này sẽ ngày càng khan hiếm hơn”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.
Cần có giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn, trong đó xây dựng nền nông nghiệp tiết kiệm nước, thậm chí tính toán lại việc sử dụng nước không mất phí, bởi lẽ theo Bộ trưởng, khi sử dụng nước tự nhiên tràn lan, nước hết thì lại khai thác nước ngầm… sẽ dẫn đến vòng luẩn quẩn.
Ông Lê Minh Hoan đề xuất Chính phủ ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng cho ĐBSCL để “khép lại một số vùng được đầu tư nửa kín, nửa hở”. Thực trạng hiện nay cho thấy nhiều công trình có tác động chưa như mong muốn, cần đầu tư đúng, đủ, để nhiều người nông dân được hưởng lợi hơn.
Những hồ thủy lợi đều có sinh cảnh đặc biệt nên có thể tận dụng để làm du lịch và nuôi cá trên lòng hồ. Chỉ có như vậy mới có thể tăng nguồn lực để bảo hành, bảo trì, “nuôi” đội ngũ cán bộ quản lý ở các hồ đập.
- Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan -
Về an toàn hồ đập, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn số liệu Bộ NN-PTNT đang quản lý 5 hồ lớn và 25 hồ liên quan nhiều tỉnh, đều an toàn. Còn gần 900 hồ vừa và nhỏ được phân cấp quản lý, một số địa phương do nguồn lực hạn chế nên chưa đảm bảo việc sửa chữa, bảo trì, Bộ trình Thủ tướng có đề án tổng thể để có giải pháp.
Đặc biệt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý, những hồ thủy lợi đều có sinh cảnh đặc biệt nên có thể tận dụng để làm du lịch và nuôi cá trên lòng hồ.
“Chỉ có như vậy mới có thể tăng nguồn lực để bảo hành, bảo trì, “nuôi” đội ngũ cán bộ quản lý ở các hồ đập. Rất nhiều hồ thủy lợi có thể làm được, nhưng địa phương có vẻ chần chừ, ngần ngại. Tôi biết cái mới ra đời cũng có khó khăn, chúng tôi sẽ cố gắng thuyết phục”, ông nói và nêu ví dụ từ thực tiễn của Trung Quốc. “Một hồ hàng năm đón hàng triệu khách du lịch đến đó, thành ra hồ của họ không chỉ phục vụ mục tiêu duy nhất là thủy lợi, mà phục vụ cho đa mục tiêu, từ đó tạo ra đa sinh kế và đa nguồn thu. Từ đó, có thể đắp đổi vào nguồn thu của Nhà nước”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất.