Cần khởi động lại chiến dịch 'Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam'
Theo lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trước bối cảnh hoạt động du lịch nội địa gặp nhiều thách thức, chương trình 'Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam' cần được hưởng ứng trở lại như những năm trước đây.
"Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" là một kế hoạch được phát động vào năm 2020, góp phần kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để người Việt Nam tới các vùng miền cả nước trong bối cảnh ngành du lịch gặp nhiều khó khăn vì đại dịch COVID-19. Tiền thân của kế hoạch này là Chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2014.
Sau khi được phát động, những chương trình này đã thu hút sự vào cuộc tích cực của các địa phương, hãng hàng không, doanh nghiệp liên quan du lịch để phục hồi, phát triển thị trường du lịch trong nước. Thời điểm đó, các hãng hàng không, đơn vị vận tải du lịch đã có chính sách giảm giá vé, đồng hành với các doanh nghiệp lữ hành và điểm đến xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, với giá ưu đãi nhằm kích cầu du lịch nội địa.
Một trong những thành công điển hình của chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" trước đây là tour du lịch bằng tàu hỏa từ Hà Nội đến Quảng Bình theo hình thức thuê chuyến (charter), do Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội phối hợp với ngành đường sắt và các điểm đến tại miền Trung thực hiện trong các năm từ 2020 - 2023. Đã có gần 20 chuyến tàu theo mô hình này, mỗi chuyến đưa khoảng 350 du khách từ Hà Nội đến tham quan Huế, Quảng Bình.
"Thời điểm ngành du lịch còn khó khăn vì dịch Covid-19, các tour du lịch bằng charter tàu hỏa mà chúng tôi tổ chức đã kích hoạt một ngòi nổ cho loại hình du lịch này, và sau đó du khách đến miền Trung bằng tàu hỏa ngày càng đông hơn. Không chỉ có khách du lịch thuần túy, các đoàn khách MICE cũng đã đến miền Trung bằng các chuyến tàu này. Tính riêng năm 2022, các doanh nghiệp hội viên Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội đã đưa khoảng 8.000 du khách đến Quảng Bình trên các chuyến tàu hỏa", ông Đoàn Ngọc Tùng - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội nói với phóng viên VOV.VN.
Tại tọa đàm “Xúc tiến du lịch và cập nhật các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành năm 2024” do Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội vừa tổ chức, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết đây là thời điểm để chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" được hưởng ứng trở lại trên cả nước.
"Du lịch Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, khi lượng khách quốc tế đến Việt Nam quý I/2024 đã vượt mức trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên du lịch trong nước vẫn còn nhiều thách thức, trong đó có vé máy bay tăng cao. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch, trong đó Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội phải tăng cường kết nối với các bên, từ đó sáng tạo thêm các sản phẩm bằng đường sắt, đường thủy, đường bộ... Đây là những sản phẩm đã từng làm trước đây, bây giờ cần phải làm tốt hơn nữa, có sản phẩm khác biệt và tránh trùng lặp. Cần kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ hơn, tương tự thành công của chương trình 'Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam' trước đây", ông Hà Văn Siêu cho biết.
Tại Phú Quốc - một điểm đến tương đối "nhạy cảm" với giá vé máy bay vào mỗi dịp cao điểm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã xây dựng tour đường bộ kết hợp đường thủy, cũng như có những chính sách giảm giá để thu hút khách đến với Đảo Ngọc khi giá vé máy bay dự báo sẽ tăng cao.
Theo ông Nguyễn Vũ Khắc Huy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, Tổng giám đốc Công ty TNHH du lịch Vina Phú Quốc, trước tình trạng giá vé máy bay có xu hướng tăng, lượng khách nội địa đặt tour thấp hơn so với những năm trước đó, các đơn vị đã cùng nhau xây dựng những tour mới di chuyển bằng đường bộ và đường biển kết nối Phú Quốc với các thị trường Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Với sản phẩm này, du khách tới TP. Hà Tiên (Kiên Giang) rồi lên tàu ra Phú Quốc. Những du khách từ Tây Nguyên sẽ đến Phú Quốc theo hành trình 3 ngày 2 đêm và 4 ngày 3 đêm bao gồm đầy đủ các dịch vụ, trải nghiệm tại Đảo Ngọc.
Tuy nhiên về lâu dài, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy cho rằng Phú Quốc cần có một sản phẩm chung mà ở đó tất cả các doanh nghiệp tham gia đều có sự cam kết về giá cả, chính sách và chất lượng; từ đó cùng nhau quảng bá hình ảnh, giới thiệu dịch vụ đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
“Thời gian gần đây và hiện tại, Phú Quốc gặp khó bởi tình hình giá vé máy bay nội địa, điều này cũng liên quan tới sự khó khăn của các hãng hàng không. Chúng tôi rất mong muốn vấn đề liên quan đến vé máy bay sẽ được giải quyết sớm, sẽ có sự đồng hành của các bên để giúp cho du lịch Phú Quốc được phục vụ du khách Việt Nam ngày càng tốt hơn”, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy cho biết.
Bên cạnh xây dựng các sản phẩm mới, phía Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp du lịch chủ động phối hợp trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Các doanh nghiệp cần đồng hành với Sở quản lý du lịch và cơ quan xúc tiến du lịch ở các địa phương để tăng cường hiệu quả trong công tác xúc tiến, thu hút khách du lịch.
Theo ông Phùng Xuân Khánh - Trưởng Ban xúc tiến đầu tư và đối ngoại Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, trên cơ sở kế hoạch xúc tiến của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch và hội viên sẽ căn cứ vào thị trường khách mục tiêu của từng doanh nghiệp để đăng ký, tham gia chương trình xúc tiến, quảng bá; tạo dựng sản phẩm của riêng mình hoặc khai thác những thị trường ngách, thị trường mới. Với tổng số hơn 600 hội viên trên cả nước, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội sẽ phát huy vai trò tiên phong, không chỉ trong kích cầu du lịch nội địa, khai mở các tuyến điểm mới mà còn góp phần đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.