Cần khung hình phạt đủ mạnh để xử lý vi phạm về kinh doanh xăng dầu
Mặc dù thời gian qua, các lực lượng chức năng đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống và xử lý các vụ kinh doanh xăng dầu không bảo đảm chất lượng, nhưng tình hình vi phạm vẫn gia tăng. Những thủ đoạn, hành vi vi phạm này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính, gây thất thu ngân sách Nhà nước mà còn gây tổn hại tới quyền, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Bỏ tiền thật mua… hàng giả
Nhận định về tình hình gian lận thương mại trong lĩnh vực xăng dầu những năm gần đây, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho hay, tình trạng này có diễn biến tương đối phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi đã gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát trong lĩnh vực này. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện các hành vi vi phạm như: bán xăng dầu ngoài hệ thống, kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực, bán xăng dầu không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, xăng dầu nhập lậu không rõ nguồn gốc. Đáng nói, có trường hợp 50% mẫu xăng Ron 95 và 100% mẫu xăng E5 Ron 92 tại một số cửa hàng không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật... Ðịa bàn thường xảy ra gian lận thương mại xăng dầu tập trung ở một số tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ, Trung Bộ và khu vực phía Bắc…
Cụ thể, theo Cục QLTT tỉnh Ninh Bình, thời gian qua, Đoàn kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021 của tỉnh do Cục chủ trì, đã mở đợt kiểm tra chuyên đề việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Kết quả, Đoàn đã kiểm tra 14 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, xử lý 6 vụ vi phạm, phạt tiền 555.940.000 đồng. Còn tại Long An, những tháng đầu năm 2021, qua công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn, lực lượng QLTT tỉnh Long An đã liên tiếp phát hiện các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh xăng dầu có hành vi vi phạm.
Các cơ quan chức năng đã bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 154,7 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu trong thời hạn 1 tháng, buộc thu hồi số lượng xăng E5 Ron 92 không đạt chất lượng để tái chế theo quy định. Ngoài ra, tại tỉnh Vĩnh Long, qua thanh tra, kiểm tra trên địa bàn, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện một doanh nghiệp bán 3.000 lít xăng Ron 95 III có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quy định. Theo đó, đã bị xử phạt vi phạm hành chính hơn 172 triệu đồng…
Không chỉ kinh doanh xăng dầu không bảo đảm chất lượng, lực lượng chức năng còn triệt phá nhiều vụ sản xuất xăng dầu giả. Vụ án gây chấn động dư luận liên quan đến mặt hàng này trong thời gian qua đó là vụ đường dây sản xuất xăng dầu giả lên đến hàng trăm triệu lít do Trịnh Sướng cầm đầu. Cụ thể, theo kết quả điều tra, trong thời gian từ đầu 2017 đến cuối tháng 5/2019, đường dây xăng giả của Trịnh Sướng đã sản xuất tổng cộng hơn 174 triệu lít xăng giả bán ra thị trường, thu lợi bất chính hàng trăm tỉ đồng với quy mô ở nhiều tỉnh, thành của cả nước.
Hay mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với lực lượng của Bộ Công an triệt phá đường dây nhập lậu xăng, sản xuất xăng giả số lượng "khủng" do Phan Thanh Hữu (ngụ TPHCM) và Nguyễn Hữu Tứ (ngụ Vĩnh Long) cầm đầu. Theo điều tra ban đầu, tính từ tháng 8/2020 đến thời điểm bị phát hiện, đường dây này đã sản xuất và bán ra thị trường khoảng 200 triệu lít xăng giả. Đến nay, cơ quan Công an đã khởi tố hàng chục bị can trong vụ án này và thu giữ lượng lớn vật chứng liên quan. Đây là những vụ án lớn về buôn lậu, sản xuất xăng dầu giả được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý. Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta cần có những biện pháp hữu hiệu hơn trong cuộc đấu tranh ngăn chặn hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.
Cần khung hình phạt đủ mạnh
Trước tính chất, mức độ phức tạp của các vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu, ngày 26/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí thay thế cho Nghị định số 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 với các mức xử phạt tăng hơn nhiều. Và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như sau: Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xăng dầu, giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động...
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm, nhưng vấn nạn trên không những không giảm mà đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân vi phạm về chất lượng trong lĩnh vực xăng dầu gia tăng là do khoản siêu lợi nhuận trong lĩnh vực này mang lại. Chính vì thế, một số đối tượng bất chấp các thủ đoạn để nhập lậu, sản xuất, pha chế xăng dầu giả và tuồn ra thị trường tiêu thụ nhằm kiếm lời bất chính. Không thể ước tính được những thiệt hại mà các đối tượng gây ra cho những doanh nghiệp kinh doanh làm ăn chân chính, và nhất là với người tiêu dùng khi họ phải bỏ tiền thật để mua sản phẩm giả, chất lượng kém…
Ngoài ra, hiện lĩnh vực xăng dầu do nhiều đơn vị cùng quản lý nên trong quá trình kiểm tra dễ bị trùng lặp. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng nhằm kiểm soát tốt thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc chủ động phát hiện, tố giác nhằm kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 18 triệu đến 19 triệu m3 xăng dầu. Do đó, việc bảo đảm chất lượng xăng dầu trên thị trường đang là vấn đề hết sức cấp thiết, bởi có không ít trường hợp cố tình sản xuất, pha chế xăng giả, xăng kém chất lượng đưa vào hệ thống bán lẻ tiêu thụ, xâm hại quyền, lợi ích của người tiêu dùng. Và khâu phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất chính là việc bán lẻ. Do đó, đòi hỏi phải có sự quản lý hệ thống tốt, từ sự phối hợp của các doanh nghiệp phân phối đến cơ quan quản lý chất lượng nhằm kiểm soát chất lượng trước khi đến người tiêu dùng.
Đối với các cơ quan chức năng, cần tiếp tục duy trì và thường xuyên kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất nhằm bảo đảm đo lường chất lượng trong kinh doanh mặt hàng xăng dầu. Ðồng thời, tăng cường phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát về đo lường chất lượng từ trung ương đến địa phương, tập trung vào các đầu mối có nguy cơ gian lận,... Và nhất là cần nghiên cứu, bổ sung các chế tài đủ mạnh nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Đặc biệt, về phía người tiêu dùng, các ý kiến cũng cho rằng, khi phát hiện ra chất lượng hàng hóa mua kém chất lượng, là hàng giả cần liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình, cũng như có biện pháp xử lý đối với những doanh nghiệp vi phạm, từ đó góp phần làm lành mạnh thị trường.
Bắt chủ doanh nghiệp liên quan đến đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả
Liên quan đến đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả quy mô lớn trong chuyên án do Công an Đồng Nai phối hợp với Bộ Công an triệt phá, mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã tiến hành bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Như Mỹ, người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp Việt Khánh Anh, đồng thời tiến hành khám xét cây xăng của doanh nghiệp này ở phường Trảng Dài, TP Biên Hòa để điều tra về hành vi buôn lậu.
Trước đó, đêm 6/2, Công an tỉnh Đồng Nai đã chủ trì phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự và một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phá chuyên án sản xuất, buôn bán xăng giả khi đồng loạt khám xét khẩn cấp các địa điểm kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các nghi can tại Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP HCM.
Qua mở rộng điều tra chuyên án, lực lượng chức năng tiếp tục khám xét và bắt nhiều đối tượng liên quan đến hành vi “đưa hối lộ; nhận hối lộ; buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ” tại các tỉnh, thành như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai…